Phòng tránh các vấn đề sức khỏe tâm thần ở học sinh
Các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần học sinh đang gia tăng nhanh chóng như stress, lo âu, trầm cảm, tự tử...
Trên thế giới có khoảng 10-20% trẻ em và thanh thiếu niên bị các rối loạn tâm thần. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ mỗi 40 giây trên thế giới có một người tự tử (800.000 ca tự tử/năm). Tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 đối với lứa tuổi 15 - 29 tuổi trên thế giới, chỉ sau tai nạn giao thông. Tại Việt Nam, thời gian gần đây các vụ tự tử ở lứa tuổi học sinh cũng xảy ra liên tục.
Theo ThS. Nguyễn Thị Hằng, giảng viên Trường Cao đẳng sư phạm Đắk Lắk, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các rối loạn tâm thần tuổi học đường như áp lực học tập, nhất là vào mùa thi. Sự kỳ vọng quá lớn ở cha mẹ vào con cái. Sự thay đổi các mối quan hệ bạn bè. Những thói quen không lành mạnh như không hoặc ít tập luyện thể dục, thức quá khuya, ngủ dậy muộn, nghiện game, chơi điện tử quá nhiều, hút thuốc lá, uống rượu, … Những điều này ảnh hưởng đến kết quả học tập cũng như sức khỏe. Khi kết quả học tập không tốt, nó lại tạo ra áp lực dẫn tới các bệnh lý của các rối loạn tâm thần.
Các rối loạn tâm thần là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật ở thanh thiếu niên. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất, học tập và sinh hoạt.
ThS. Nguyễn Thị Hằng chia sẻ các dấu hiệu nhận biết học sinh mắc các rối loạn tâm thần như sau:
Mất ngủ: Học sinh cần ngủ tối thiểu 8 giờ mỗi ngày, đảm bảo được nghỉ ngơi, đủ sức khỏe để tiếp tục học tập vào ngày tiếp theo. Khi thấy con có biểu hiện mất ngủ, tổng thời gian ngủ trong ngày dưới 4-5 giờ, kèm than phiền mệt mỏi, biếng ăn, hay cáu gắt, bi quan, chán nản, cho rằng bản thân không đáp ứng được kỳ vọng gia đình,... là dấu hiệu các em đang gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần , đặc biệt là trầm cảm.
Lo lắng quá mức: Áp lực học tập và kỳ vọng gia đình khiến các em cảm thấy lo lắng, đôi khi đó chính là động lực giúp các em cố gắng trong học tập. Tuy nhiên, cần chú ý nếu trẻ lo lắng quá mức, than phiền đau đầu, chóng mặt, căng cứng cơ... khiến trẻ luôn bất an, khô miệng, khó nuốt, sợ đến trường. Đây có thể là biểu hiện của các rối loạn lo âu lan tỏa.
Sử dụng thiết bị điện tử, mạng xã hội quá nhiều: Sử dụng thiết bị điện tử để chơi game, mạng xã hội, xem phim trong thời gian dài sẽ gây mờ mắt, đau đầu, căng thẳng, mệt mỏi, chú ý và trí nhớ giảm, ảnh hưởng không tốt đến kết quả học tập.
ThS. Nguyễn Thị Hằng cũng đưa ra lời khuyên, để phòng tránh các vấn đề sức khỏe tâm thần cho học sinh, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường:
Đối với gia đình: Cần theo dõi giấc ngủ của học sinh vì các rối loạn tâm thần thường gây ra mất ngủ. Bên cạnh đó nên tìm hiểu nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ và tìm hướng giải quyết. Khuyến khích học sinh nói ra vấn đề của mình, cùng trẻ tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề.Tránh đặt kỳ vọng quá cao ở trẻ, gây ra áp lực lớn trong học tập. Tạo môi trường học tập thân thiện, thoải mái, lành mạnh, sắp xếp lịch học tập và thi cử hợp lý.
Đối với học sinh: Cần xây dựng thời gian biểu học tập, sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý; tránh học quá nhiều, dồn nén sẽ dẫn đến kết quả học tập không tốt. Rèn luyện cách suy nghĩ tích cực, cố gắng giải quyết vấn đề. Tăng cường các hoạt động thể thao, ăn uống lành mạnh, tránh các thói quen không tốt như thức khuya, chơi game, sử dụng các chất kích thích.