Phóng to 5 lần bức tranh 300 tuổi, chuyên gia Hàn Quốc tiết lộ: Chính là “nàng tiên cá”!

Chia sẻ Facebook
21/04/2022 16:45:21

Những người đang bơi trong tranh là ai mà chuyên gia lại khẳng định như vậy?


Bình đàm phiếm chu

“Bình đàm phiếm chu” là bức họa thuộc tập tranh “Đam la tuần lịch đồ” của họa sĩ Kim Nam-gil thời Joseon. Tập tranh được vẽ vào giai đoạn 1702-1703 theo yêu cầu của quan mục sứ Lee Hyung-sang - người đứng đầu đảo Tế Châu (tức đảo Jeju).

“Đam la tuần lịch đồ” ra đời nhằm khắc họa cuộc sống hàng ngày của người dân Jeju, đồng thời vẽ lại những sự kiện diễn ra trong chuyến đi tuần trên khắp hòn đảo của vị quan mục sứ khi ấy mới nhậm chức.

Là một di sản văn hóa quý giá chứa đựng những gì thuộc về cuộc sống và lịch sử của Jeju vào đầu thế kỷ 18, tập tranh 43 trang này đã được công nhận là bảo vật số 652 của xứ sở kim chi vào năm 1979.

“Bình đàm phiếm chu” là một trong những bức họa nổi bật nhất tập tranh. Nó ghi lại cảnh quan mục sứ Lee Hyung-sang cùng đoàn tùy tùng đi chơi thuyền tại một địa danh nổi tiếng ở Jeju là đầm Thúy Bình, hay còn gọi là vực Rồng.

Bức tranh “Bình đàm phiếm chu” có kích thước 56.9 cm x 36.4 cm. Ảnh: daVinci Map

Nổi bật trong tranh là đoàn thuyền đang lướt đi giữa đầm, xung quanh là hàng dài những cây liễu rủ bóng xuống mặt nước. Bên trên vách đá, những mái nhà nằm san sát nhau tạo thành một ngôi làng nhỏ, xa xa là khung cảnh núi đồi hùng vĩ. Tất cả tạo nên một bức tranh toàn cảnh hết sức tráng lệ.


Nhìn qua thì chỉ có thế, nhưng khi phóng to bức tranh lên 5 lần, nhiều người đã phát hiện ra một chi tiết bí ẩn. Đó là ở phía bên phải của bức tranh, có một nhóm 5 người đang ngâm mình dưới nước!

Nhóm người này rốt cuộc là ai? Họ đang bơi lội hay ở dưới nước để làm điều gì khác?

Nhóm người đang ngụp lặn dưới nước thu hút sự chú ý của người thưởng tranh. Ảnh: daVinci Map


Những “nàng tiên cá” của Jeju

Ông đã tiết lộ trong một cuốn sách xuất bản năm 2006 của mình rằng, họ chính là những hải nữ, hay mỹ miều hơn là những “nàng tiên cá” của hòn đảo Jeju.

Hải nữ (haenyeo) là những nữ thợ lặn chuyên nghiệp, họ lặn xuống biển để đánh bắt hải sản như bào ngư, ốc xà cừ, hải sâm và tảo biển mà không có bất kỳ thiết bị hỗ trợ nào. Vì diện tích đất nông nghiệp ở đảo Jeju rất hạn chế, người Jeju đã phải “canh tác” trên biển như trên ruộng đồng.

Hóa ra họ là những hải nữ đang làm việc. Ảnh: Koya-culture

Ban đầu, các thợ lặn ở Jeju phần lớn là nam giới, họ được gọi là các bào tác nhân. Vào thời Joseon, đàn ông trên đảo phải kiêm nhiệm vai trò của ngư dân, thợ lặn và lính thủy quân cùng một lúc. Chưa kể số lượng bào ngư mà người dân Jeju phải cống nạp lên triều đình ngày càng tăng khiến họ càng thêm vất vả.

Dần dà số lượng nam giới ở Jeju giảm mạnh. Họ qua đời trong lúc làm việc hoặc bỏ trốn vì quá cực nhọc, vai trò lặn biển được chuyển sang cho nữ giới. Ngoài ra còn có một cách lý giải khác cho sự xuất hiện của nghề hải nữ. Đó là phái nữ có lớp mỡ dưới da dày hơn đàn ông nên có thể chống chọi tốt với nước lạnh, thích hợp hơn với việc lặn sâu xuống biển.

Khi lặn biển trở thành một ngành nghề do phụ nữ thống trị, các hải nữ Jeju đã thay chồng trở thành lao động chính của gia đình trong suốt vài thế kỷ. Tuy nhiên ngày nay số lượng hải nữ đang giảm nhanh chóng, đến cuối năm 2019 chỉ còn lại 3.820 người. Trong đó số hải nữ từ 70 tuổi trở lên chiếm hơn một nửa và chỉ có 0,7% ở độ tuổi 30.

Các hải nữ còn hoạt động ngày nay đa phần đều đã lớn tuổi. Ảnh: Reuters

Năm 2016, hải nữ ở đảo Jeju đã được Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Chính phủ Hàn Quốc cũng công nhận hải nữ là tài sản phi vật thể quốc gia vào năm 2017.

Tính đến thời điểm này, “Bình đàm phiếm chu” chính là bức tranh lâu đời nhất có khắc họa hình ảnh của các hải nữ. Với lịch sử lâu đời, tài năng lặn biển cũng như những giá trị vật chất và phi vật chất mà họ mang lại, các hải nữ quả thật xứng đáng được gọi là những “nàng tiên cá” của đảo Jeju.


Theo Ngọc Dung

Pháp Luật và Bạn đọc

Chia sẻ Facebook