Phóng sự NHK ‘nhất định phải xem’ về chiến dịch của ông Tập
Một bộ phim tài liệu của đài truyền hình NHK Nhật Bản được thực hiện công phu, tỉ mỉ, đã vạch trần thủ đoạn tinh vi của ĐCSTQ trong việc thao túng, chia rẽ thế giới.
Vào tháng 2 năm nay, “Công ty An Tuân Thông tin Thượng Hải” (I-SOON) (上海安洵) đã để lộ 577 tài liệu nội bộ trên mạng, bao gồm tài liệu bán hàng, hợp đồng, báo giá, và ghi chép trò chuyện của nhân viên, cho thấy công ty này có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với công an Trung Quốc.
Sau đó, đài truyền hình trung ương NHK của Nhật Bản đã mất nửa năm để điều tra, bóc tách từng lớp, tìm ra nhân vật chủ chốt của sự kiện, và cử người đến Trung Quốc, Đài Loan, Pháp, Czech, Mỹ và Canada để thực hiện một cuộc điều tra rất chi tiết, dẫn đến bộ phim tài liệu gần đây mang tên “Theo dõi các tài liệu bị rò rỉ của Trung Quốc”.
Các công ty thông tin như An Tuân đã phối hợp với Đảng Cộng sản Trung Quốc trong nhiều năm, ăn cắp tài liệu mật của các quốc gia khác, đánh cắp tài khoản công dân nước ngoài, và sử dụng mọi biện pháp để thao túng dư luận, tất cả những hành động sai trái này đều được phơi bày trong bộ phim tài liệu.
Thái độ nghiêm túc của các phóng viên Nhật Bản thực sự khiến người ta khâm phục. Để chứng minh nội dung của các tài liệu bị rò rỉ là xác thực, các phóng viên đã bay đến Czech để gặp gỡ các quan chức, xác nhận rằng An Tuân đã đánh cắp tài liệu nội bộ của cuộc họp EU vào tháng 5 năm 2022, mục tiêu dường như là để Đảng Cộng sản Trung Quốc biết trước cách EU xử lý cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina.
Để điều tra mối quan hệ giữa An Tuân và chính phủ Trung Quốc, các phóng viên đã đến miền nam Pháp để phỏng vấn một hacker mũ trắng. Hacker người Pháp này đã theo dõi thông tin của từng nhân viên của An Tuân, nắm giữ số điện thoại, địa chỉ email của họ, và từ đó đã phát hiện ra hai nhân vật quan trọng: ông X, CEO của An Tuân, và ông Y, phó giám đốc có xuất thân là kỹ sư, đồng thời thu thập được địa chỉ email, tài khoản mạng xã hội, và 40 thông tin khác của họ.
Cuộc điều tra của các chuyên gia Pháp và phóng viên Nhật Bản rất sâu sắc, chi tiết đến mức tìm ra bài blog của ông Y từ tháng 4 năm 2010 khi ông làm việc tại một công ty khác, từ đó hiểu rằng ông là một kỹ sư có tham vọng nghề nghiệp. Các phóng viên đã theo dõi quá trình làm việc của ông, phát hiện rằng vào năm 2013, ông đã hợp tác với ông X để mở rộng kinh doanh mới tại An Tuân, và đã xem xét các cuộc trò chuyện giữa X và Y, biết rằng họ đều muốn thiết lập mối quan hệ với chính phủ Trung Quốc, và hầu hết các dự án bán hàng đều liên quan đến an ninh Trung Quốc.
Vào năm 2014, ông Tập Cận Bình đã kêu gọi chiến tranh thông tin, nhiều người muốn kiếm tiền từ ngành an ninh mạng, và để làm vừa lòng các quan chức chính phủ, họ đã không từ thủ đoạn nào. Sau đó, thị trường các công ty an ninh mạng đã tăng trưởng mạnh mẽ, số lượng lên tới 4.000 công ty, An Tuân chính là một trong số đó. Điều này cho thấy tội ác xâm nhập mạng của An Tuân và ai đứng sau những việc đó đã trở nên rõ ràng.
Các phóng viên phát hiện trong các tài liệu bị rò rỉ của An Tuân còn có một tài liệu về “Hệ thống kiểm soát dư luận Twitter”, trong đó nêu rõ rằng hệ thống này được phát triển theo nhu cầu của công an Trung Quốc, chức năng là thao túng các tài khoản mục tiêu trên Twitter (hay bây giờ là nền tảng X), cơ chế hoạt động là gửi liên kết lừa đảo, một khi đối phương bấm vào đường link được gửi, tài khoản sẽ ngay lập tức bị chiếm đoạt, nhằm thao túng dư luận ở nước ngoài.
Để chứng minh rằng “hệ thống kiểm soát dư luận” này là có thật, phóng viên NHK đã phỏng vấn một người đàn ông đến từ Tân Cương, đã chuyển đến Mỹ cách đây bảy năm. Ông và những người bạn của mình thường xuyên chỉ trích chính sách của Trung Quốc đối với các dân tộc thiểu số qua mạng xã hội. Người đàn ông này cho biết, có người đã sử dụng tên tài khoản của ông để đăng ký một tài khoản giả, phát tán những ý kiến hoàn toàn trái ngược với quan điểm của ông và xúc phạm bạn bè, nhằm kích thích sự thù hận và khiến mọi người nghi ngờ lẫn nhau.
Các phóng viên cũng nhận thấy trong tài liệu của An Tuân có một từ khóa như: “chiến tranh nhận thức”. “Chiến tranh nhận thức” có nghĩa là sử dụng hoạt động trên mạng xã hội để ảnh hưởng đến tâm lý đối phương, thay đổi mô hình hành vi của họ. Bộ phim tài liệu đã đưa ra một ví dụ về chiến tranh nhận thức, đó là cuộc “biểu tình phản đối lao động Ấn Độ” diễn ra ở Đài Bắc vào tháng 12 năm ngoái.
Người tham gia biểu tình chủ yếu là phụ nữ trẻ, họ phản đối mạnh mẽ việc Đài Loan tiếp nhận lao động Ấn Độ, cho rằng điều này sẽ dẫn đến sự gia tăng các vụ xâm hại tình dục. Khi phóng viên hỏi họ nhận được thông tin này từ đâu, họ đồng thanh trả lời rằng từ Dcard (một nền tảng liên lạc trực tuyến ẩn danh phổ biến cho giới trẻ Đài Loan).
Hóa ra, vài tuần trước cuộc biểu tình, trên Dcard xuất hiện nhiều bài viết phản đối lao động Ấn Độ, với một số tiêu đề rất giật gân, chẳng hạn như “Mở cửa cho 100.000 lao động Ấn Độ, Đài Loan sẽ trở thành hòn đảo xâm hại tình dục!?” Các nhà nghiên cứu an ninh mạng Đài Loan phát hiện rằng ngôn ngữ trong những bài viết này không giống với cách sử dụng tiếng Hoa ở Đài Loan, và nghi ngờ rằng tác giả đến từ Trung Quốc, nhằm mục đích khởi động chiến tranh nhận thức, kích động người Đài Loan nghi ngờ chính phủ.
Bộ phim tài liệu cũng đã phỏng vấn ông Diêu Thành (姚诚), một cựu trung tá hải quân của quân đội Trung Quốc, đã sống lưu vong ở nước ngoài 8 năm. Sau khi xem qua chiến lược chiến tranh nhận thức trong tài liệu của An Tuân, ông nói: “Nếu bạn hiểu chính xác về chiến tranh, thì chiến tranh đã bắt đầu từ lâu, chỉ là bạn không thấy tên lửa được phóng mà thôi”.
Ngoài việc tiến hành chiến tranh nhận thức ở Đài Loan, các hacker từ Trung Quốc cũng đã phát tán thông tin giả về nước thải của Nhật Bản trên các trang web nước ngoài, và đăng tải nhiều thông tin liên quan đến vấn đề chủng tộc và vũ khí trên các nền tảng trực tuyến ở Mỹ, mục tiêu đều là khiến người dùng mạng không còn tin tưởng vào các phương tiện truyền thông và chính phủ địa phương, từ đó tạo ra sự chia rẽ trong xã hội.Đây là một bộ phim tài liệu rất quan trọng, tác giả có bút danh “ Phùng Hy Can Thập Tam Duy Độ ” cho rằng mỗi người Đài Loan đều phải xem để hiểu “chiến tranh nhận thức” thật sự là gì. Hiểu được bản chất của chiến tranh nhận thức, bạn sẽ thấy rằng các nghệ sĩ Đài Loan vẫn tiếp tục thân thiết với Đảng Cộng sản Trung Quốc không thể đơn giản được coi là “mỗi người có một chí hướng” hay “kết giao vì miếng cơm manh áo”, vì họ đã thực sự trở thành vũ khí trong cuộc chiến tranh nhận thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chỉ cần người Đài Loan chia thành hai phe, một bên ủng hộ, một bên chỉ trích, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đạt được mục tiêu của mình.