Phòng cúm bùng phát bất thường vào mùa hè
Các chuyên gia khuyến cáo người dân cần chủ động tiêm vaccine và thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác, khi dịch cúm bùng phát trái mùa khiến nhiều người nhập viện.
BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM, cho biết: Ở miền Nam, cúm lưu hành quanh năm, trong khi đó ở miền Bắc, cúm thường bùng phát vào mùa đông - xuân khi trời trở lạnh. Số ca mắc cúm A gia tăng trong mùa hè là dấu hiệu bất thường của dịch cúm tại Việt Nam trong năm 2022.
Một điều gần như thành quy luật là sau Covid-19, người dân tăng cường đi lại, giao lưu tiếp xúc xã hội, một số bệnh dịch sẽ gia tăng; không chỉ riêng cúm mà còn nhiều bệnh do các loại virus, vi khuẩn khác. " Tất cả các bệnh truyền nhiễm nếu không phòng ngừa bằng vaccine đều có thể bùng phát ở giai đoạn này ", BS Khanh nhấn mạnh.
Theo ghi nhận của VnExpress từ đầu tháng 7, nhiều bệnh viện phía Bắc có lượng người đến khám cúm A tăng mạnh, trong đó có tình trạng nặng, tổn thương phổi phải nhập viện. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, 1/4 số lượng bệnh nhi đến khám mắc cúm A. Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn vào những lúc cao điểm tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân cúm A mỗi ngày. Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương thời gian qua cũng ghi nhận hơn 100 bệnh nhi mắc cúm A phải nhập viện theo dõi.
Ngoài ra, BS Khanh nhận định thêm, tại Việt Nam, việc giám sát cúm chưa được thực hiện thường xuyên nên bên cạnh các trường hợp nhập viện thì vẫn còn nhiều ca mắc cúm trong cộng đồng chưa được ghi nhận. Trong các trường hợp viêm phổi nhập viện hiện nay cũng không loại trừ nguyên nhân do virus cúm.
Cúm và cảm lạnh đều có triệu chứng của nhiễm trùng đường hô hấp như sốt, ho, ớn lạnh, sổ mũi, nghẹt mũi, đau nhức cơ hoặc đau nhức toàn thân, đau đầu, đau hốc mắt, chảy nước mắt...
Tuy nhiên, bệnh cúm do virus influenza gây ra, có nguy cơ biến chứng nguy hiểm ở nhiều cơ quan như phổi, tim, gan... Cúm đặc biệt nguy hiểm và gây tử vong cao ở trẻ em dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, người có bệnh mạn tính (hen suyễn, COPD, tim mạch, tiểu đường,...), người bị suy giảm miễn dịch hoặc đang điều trị thuốc làm suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai, người bị ung thư...
BS Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết khi tấn công vào phổi, virus cúm làm bề mặt phổi tổn thương, khả năng đề kháng giảm, khả năng bội nhiễm một số vi khuẩn như các loại phế cầu, tụ cầu... tăng cao. Virus cúm là tác nhân chiếm đa số các trường hợp viêm đường hô hấp trên và sau đó gây ra biến chứng viêm phổi, dẫn đến nhập viện, tử vong cao ở người có nhiều nguy cơ.
Các chuyên gia khuyến cáo, trong thời điểm các bệnh hô hấp đang tăng mạnh, người dân cần chủ động ngừa cúm, bằng cách: Rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người nghi nhiễm cúm, tránh tập trung đông người khi có dịch cúm. Giữ ấm cơ thể, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, thường xuyên vận động để nâng cao sức khỏe. Giữ nhà cửa thông thoáng, lau chùi các vật dụng bằng dung dịch sát khuẩn. Người bị cúm nên được cách ly ở phòng riêng.
Đặc biệt, trẻ nhỏ cần được tiêm vaccine phòng cúm từ 6 tháng tuổi. Người lớn, trẻ lớn cần tiêm vaccine cúm nhắc lại hàng năm để duy trì khả năng bảo vệ trước sự biến đổi bất thường của các chủng cúm.
Theo BS Chính, vaccine cúm không chỉ phòng cúm hiệu quả đến 90%, giảm tỷ lệ tử vong 70-80% mà còn giúp giảm nguy cơ tăng nặng các bệnh đang mắc, tránh nguy cơ đồng nhiễm virus, vi khuẩn khác. Vaccine cúm giảm nguy cơ nhập viện ICU (chăm sóc đặc biệt) đến 26% ở người lớn, 74% ở trẻ em, giảm nguy cơ tử vong hơn 31% so với những người không tiêm vaccine cúm, giảm chi phí y tế và tình trạng mất khả năng lao động do bệnh tật.
Dịch cúm thường đạt đỉnh vào tháng 3-4 và 9-10 hàng năm, do vậy thời điểm tiêm vaccine cúm tốt nhất là 2 tuần trước mùa dịch để cơ thể đủ thời gian sinh kháng thể chống lại virus cúm. Vaccine phòng cúm chưa có trong chương trình tiêm chủng mở rộng, do đó để được tiêm ngừa, người dân có thể đến các trung tâm tiêm chủng dịch vụ
Việt Nam hiện có vaccine cúm tứ giá thế hệ mới như Vaxigrip Tetra (Pháp), Influvac Tetra (Hà Lan), GC Flu Quadrivalent (Hàn Quốc), Ivacflu-S (Việt Nam) phòng ngừa 4 chủng virus cúm nguy hiểm đang lưu hành là 2 chủng cúm A (A/H1N1), (A/H3N2) và 2 chủng cúm B (Yamagata và Victoria). Hiệu quả phòng bệnh cúm với các chủng virus có trong vaccine là khoảng 2-3 tuần sau tiêm. Thời gian duy trì miễn dịch sau tiêm thường 6-12 tháng.
Mỗi người cần cảnh giác với cúm mùa nhiều hơn, nhất là trong bối cảnh Covid-19 đang gia tăng trở lại với các biến chủng mới. Tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả nhất để ngừa bệnh cúm. Tiêm ngừa vaccine cúm hàng năm giúp trẻ em và người lớn giảm tối đa tỷ lệ mắc bệnh, nguy cơ biến chứng nặng, nhập viện và tử vong do cúm