Phòng, chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng
Chiều 7/10, tại Hải Phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo xây dựng "Cẩm nang phòng, chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng".
Đây là hoạt động nằm trong dự án "Phát triển báo chí Việt Nam 2020-2024" - chương trình hành động nhằm thực hiện sáng kiến của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Hạn chế sự phát tán và ảnh hưởng của tin giả
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, những năm gần đây, xu hướng người dân đọc tin tức qua mạng, sử dụng mạng xã hội để chia sẻ thông tin ngày càng cao. Tuy nhiên, không gian mạng với đặc tính dễ ẩn danh, lan truyền nhanh đã trở thành môi trường thuận lợi cho hoạt động phát tán tin giả, tin sai sự thật. Tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng có liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội..., gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân; ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây thiệt hại về kinh tế... Nhiều thông tin thiếu kiểm chứng, bịa đặt, phản cảm được người dùng mạng xã hội chia sẻ rộng rãi, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, vấn nạn tin giả có dấu hiệu gia tăng. Vấn nạn này không những làm nhiễu loạn thông tin và ảnh hưởng xấu trong cộng đồng xã hội, còn gây hoang mang cho cộng đồng, nhất là những thông tin về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch COVID-19. Nguy hiểm hơn là âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, đã lợi dụng mạng xã hội để tạo tin giả và phát tán tin giả để xuyên tạc chính sách, biện pháp phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước, gây mất đoàn kết nội bộ, gây khủng hoảng niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong bối cảnh dịch COVID-19 có những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường.
Thực tế thời gian qua cho thấy mặc dù Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường quản lý nội dung thông tin trên mạng, ngăn chặn xử lý tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng dần được hoàn thiện nhưng tin giả trên không gian mạng vẫn liên tục được sản sinh, khó có thể ngăn chặn hoàn toàn. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt từ phía các cơ quan quản lý, người dân cũng cần trang bị các kiến thức cơ bản, biết sàng lọc, nhận biết tin giả, cũng như các hành vi vi phạm pháp luật khi hoạt động trên không gian mạng để có những ứng xử phù hợp nhằm hạn chế sự phát tán và ảnh hưởng của tin giả.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết: Việc phòng, chống tin giả, tin sai sự thật không chỉ là vấn đề lớn tại Việt Nam, mà còn mang tính toàn cầu. Tin giả nhưng gây hậu quả thật về mọi mặt kinh tế, tâm lý xã hội, nhất là 2 năm phòng, chống dịch COVID-19. Việc lấy ý kiến hoàn thiện "cẩm nang phòng, chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng" góp phần hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, cơ quan tham gia vào công tác phòng, chống tin giả; giúp các nhà mạng viễn thông, các cơ quan quản lý có thêm thông tin để nhận biết, cảnh báo, xử lý đối với tin giả.
Cẩm nang phòng, chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng được xây dựng nhằm cung cấp thông tin, kỹ năng cơ bản nhất để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia không gian mạng có kiến thức tổng quan, cần thiết để nhận biết, ứng phó, xử lý có hiệu quả với tình trạng tin giả, tin sai sự thật lan tràn trên không gian mạng hiện nay. Đây là lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức lấy ý kiến rộng rãi về cẩm nang này; thời gian tới Bộ sẽ lấy ý kiến công khai về nội dung cẩm nang để có thể ban hành vào cuối năm 2022.
Chia sẻ kinh nghiệm trong đấu tranh phòng, chống tin giả
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, cơ quan báo chí đã trao đổi, thảo luận, đánh giá về tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng tại nước ta; chia sẻ những kinh nghiệm công tác đấu tranh, phản bác tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng. Thông qua hội thảo, ý kiến của các đại biểu sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận, hoàn thiện "cẩm nang phòng, chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng" có tính ứng dụng cao, dễ dàng tiếp cận người sử dụng.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí chỉ ra 7 biểu hiện nhận biết về tin giả, đó là: Châm biếm hoặc chế nhạo (thông tin không có ý định gây hại nhưng có khả năng lừa gạt); nội dung gây hiểu lầm (sử dụng thông tin gây hiểu nhầm để đóng khung vấn đề hoặc cá nhân); nội dung mạo danh (các nguồn tin thật bị mạo danh); nội dung bịa đặt (nội dung mới 100%, được thiết kế để lừa dối hoặc gây hại); liên kết sai (khi tiêu đề, hình ảnh không hỗ trợ cho nội dung); cảnh báo sai (nội dung chia sẻ về thông tin được đặt trong bối cảnh sai); thông tin ngụy tạo (nội dung thông tin, hình ảnh bị ngụy tạo để lừa gạt người đọc, người nghe). Các cấp độ của tin sai sự thật gồm có: Thông tin mơ hồ; thông tin phiến diện; thông tin có thêm thắt, thổi phồng, bóp méo sự thật; thông tin bịa đặt.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thành Lợi, Phó Tổng biên tập phụ trách báo Hà Nội mới, mạng xã hội đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân, dẫn đến làm cho môi trường truyền thông thay đổi. Sự "va đập" giữa báo chí truyền thống và mạng xã hội trở thành sự cạnh tranh không lành mạnh. Tác động báo chí chính thống và truyền thông mạng xã hội tạo ra sự mâu thuẫn, dẫn đến tin giả lan truyền; người sử dụng mạng xã hội chia sẻ thông tin một cách chóng mặt, không cần biết đúng hay sai... Hiện tượng phi tin tức do sự chú ý của người dân quá nhiều dẫn đến tin giả hoành hành, tạo ranh giới mập mờ giữa nội dung tin chính thống và tin giả, ảnh hưởng nhiều đến tổ chức, cá nhân. Trách nhiệm của cơ quan báo chí chống tin giả là vô cùng cần thiết.
Để giải quyết tình trạng thông tin giả lấn át thông tin chính thống, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thành Lợi cho rằng, báo chí cần tạo lên giá trị cốt lõi, có tin, bài chuyên sâu, không chạy theo hiệu ứng thông tin thông thường. Để "chiếm lĩnh" thông gian ảo, báo chí cần đưa thông tin nhanh, chính xác, không phụ thuộc vào mạng xã hội, không để thông tin mạng xã hội lấn át, dẫn dắt; cần có bộ lọc comment và quản lý Facebook bằng các giải pháp công nghệ, không để các bình luận làm ảnh hưởng uy tín; đa dạng hóa các sản phẩm...
Nhà báo Trần Anh Tú, Phó Tổng biên tập Tạp chí Thông tin và Truyền thông kiến nghị để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tin giả, tin sai sự thật, các cơ quan quản lý cần chủ động điểm báo, nắm dư luận trên mạng xã hội, báo chí trong nước và nước ngoài; thống nhất tư tưởng, hành động; tạo sự đồng thuận trong nhân dân đối với việc phòng, chống tin giả. Đồng thời, các lực lượng, cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ thông qua các hoạt động: thận trọng với các vấn đề nhạy cảm; chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu về nhân quyền, dân tộc, tôn giáo..., kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia; cung cấp thông tin sớm và chính thức; chủ động cung cấp thông tin; đặt hàng báo chí và đồng hành cùng báo chí...