Phòng chống sự hình thành và lan truyền các bệnh gây ra bởi vi khuẩn kháng thuốc ở Việt Nam
Kháng kháng sinh đang là một vấn đề đáng báo động, bởi lẽ những chủng vi khuẩn đa kháng đang xuất hiện ở các bệnh viện tuyến đầu.
Sáng 1/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương phối hợp tổ chức Hội thảo Tổng kết nghiên cứu V-RESIST về "Phòng chống sự hình thành và lan truyền các bệnh gây ra bởi vi khuẩn kháng thuốc ở Việt Nam".
Dự án được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc trong 4 năm từ 2019 - 2022. Hội thảo có sự tham gia của Ngài Phó Đại sứ Úc tại Việt Nam Mark Tattersall; TS. Cao Hưng Thái - Phó Cục Trưởng Cục Khám Chữa bệnh; TS Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, cùng các đại diện của Bộ Y tế, các chuyên gia nghiên cứu từ ĐH Sydney nước Úc, cùng đại diện của các bệnh viện tham gia vào nghiên cứu.
Kháng kháng sinh đang là một vấn đề đáng báo động, bởi lẽ những chủng vi khuẩn đa kháng đang xuất hiện ở các bệnh viện tuyến đầu, nơi điều trị các bệnh nhân nặng, và đã xuất hiện ở nhiều bệnh viện tuyến cơ sở. Việt Nam đang là một trong các quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới, các bác sĩ chia sẻ, có những ca bệnh mà bệnh nhân kháng hầu hết các loại kháng sinh, thậm chí có thể không qua khỏi.
Từ năm 2019 đến 2022, Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock phối hợp cùng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương triển khai Dự án V-RESIST xây dựng các mô hình can thiệp nhằm nỗ lực thay đổi hành vi của cộng đồng, nhà thuốc tư nhân và các bệnh viện tuyến quận/huyện tại Hà Nội và Cà Mau cho mục tiêu giảm thiếu kháng kháng sinh tại Việt Nam. Các ca bệnh từ đơn giản đến phức tạp được đem ra thảo luận để đánh giá việc sử dụng kháng sinh có tối ưu hay không đã trở thành một hoạt động định kỳ của dự án V-RESIST. Những kết quả nghiên cứu có giá trị khoa học được đăng trên tạp chí Lancet Regional Health Western Pacific, BMJ Global Health… Dự án còn cùng các bệnh viện xây dựng Chương trình quản lý sử dụng kháng sinh tại từng cơ sở.
154 chương trình tập huấn, hội thảo, thu hút 1.340 lượt bác sĩ, dược sĩ chia sẻ chuyên môn tại các cơ sở y tế tuyến huyện. Đồng thời, các bệnh viện thiết lập được Ban Quản lý sử dụng kháng sinh, tổ giám sát sử dụng kháng sinh, xây dựng kế hoạch quản lý sử dụng kháng sinh phù hợp với điều kiện tại cơ sở, thực hiện định kỳ công tác giám sát đánh giá bệnh án có sử dụng kháng sinh, cũng như đưa ra các phản hồi tại chỗ trong các cuộc hội chẩn ca bệnh, nhằm tăng cường hiệu quả điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn và giảm kháng kháng sinh chung, từ đó thúc đẩy chính sách sử dụng kháng sinh hợp lý và an toàn tại bệnh viện. Ngoài ra, tại các bệnh viện, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đều được cung cấp các tài liệu truyền thông để hiểu rõ hơn về việc sử dụng kháng sinh đúng.
Tại cộng đồng, gần 100 quầy thuốc, nhà thuốc ở tuyến huyện tại tỉnh Cà Mau, được chương trình tập huấn, chia sẻ thông tin về cách phân biệt các bệnh do virus và vi khuẩn để có thể tư vấn cho bệnh nhân đúng và phù hợp hơn. Tại các nhà thuốc có phân phát tài liệu truyền thông tới người dân để tăng cường nhận thức và giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh không kê đơn tại cộng đồng.
Phát biểu tại Hội thảo, GS. Greg Fox, Giám đốc Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock cho biết: "Dù còn nhiều thách thức đặt ra trong chương trình quản lý kháng kháng sinh, những thành công bước đầu của V-RESIST cho thấy khả năng mở rộng các can thiệp này tại Việt Nam. Chúng tôi mong muốn sẽ cùng với Bộ Y tế và các đối tác Việt Nam tiếp tục các chương trình nhằm giảm kháng kháng sinh tại Việt Nam, góp phần tăng cường an ninh y tế cho Việt Nam cũng như trên thế giới".