Phòng các bệnh do phế cầu trong mùa hè
Mưa nhiều xen nắng nóng khiến nhiều trẻ em, người già nhập viện điều trị các bệnh lý hô hấp, tiêu hóa... Nhiều ca viêm phổi do phế cầu trở nặng phải cấp điều trị tích cực.
Cảnh báo các bệnh đường hô hấp tăng đột biến
Theo ghi nhận tại khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh Hà Nội, số lượng trẻ em nhập viện do bệnh hô hấp , đặc biệt là các bệnh do phế cầu, tiêu hóa và sốt xuất huyết tăng 150-200% so với những tháng trước. Nhiều bệnh nhân trên 50 tuổi đang nằm tại khoa cấp cứu vì phổi tắc nghẽn mãn tính COPD và các bệnh lý do vi khuẩn phế cầu gây ra như viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết…
Tại khoa Nội hô hấp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội, trong tháng 5/2022, có hơn 20 ca viêm phổi nặng đang được điều trị tại đây. Số ca nhập viện tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Anh Phan Vĩnh Yên (Ba Đình, Hà Nội) cho biết bố của anh điều trị đã hơn 2 tuần. Người bố 65 tuổi nhập viện sau 4 ngày khó thở và ho nhiều, sưng phù hai chân. Sau nhập viện, các bác sĩ phát hiện ông bị viêm phổi nặng, tràn dịch màng phổi phải. Xét nghiệm máu và nước tiểu cho thấy ông bị viêm phổi do vi khuẩn phế cầu.
“Một tháng trước đó, bố mắc Covid-19 nên cả nhà nghĩ có thể khó thở là di chứng hậu Covid-19. Hơn nữa, chỉ có 2 ngày ông bị sốt cao nên không ai nghĩ là ông bị viêm phổi do phế cầu. Trường hợp của bố tôi phải nằm viện ít nhất 1 tháng, tôi phải xin nghỉ làm để tiện chăm bố”, anh Yên chia sẻ.
Trong khi đó, BVĐK Tâm Anh TP.HCM trong đầu tháng 6/2022 ghi nhận số lượng trẻ em đến khám về các bệnh hô hấp tăng từ 50 - 70% so với tháng 4, nhiều nhất là viêm tiểu phế quản - nguy cơ rất cao dẫn đến viêm phổi. Bên cạnh đó, tình hình trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy cấp, tay chân miệng, sốt xuất huyết cũng tăng cao so với cùng kỳ.
Lý giải về tình trạng trẻ nhập viện ồ ạt trong những ngày gần đây, ThS.BS. Lê Phan Kim Thoa - Trưởng khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP.HCM phân tích, viêm phổi thường xảy ra vào mùa đông khi nhiệt độ xuống rất thấp. Tuy nhiên, thời tiết chuyển nắng mưa thất thường như hiện nay, mưa kéo dài hơn 1 tháng qua, xen kẽ những ngày nắng gắt khiến các bệnh hô hấp, nhất là viêm phổi gia tăng.
Theo TTƯT.PGS.TS.BS Chu Thị Hạnh - Trưởng khoa Nội hô hấp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội, thời tiết thay đổi cũng có thể là tái phát các bệnh lý mạn tính của hệ hô hấp, các yếu tố ô nhiễm môi trường, các bệnh lý nhiễm khuẩn vùng răng miệng, nhất là các bệnh lý tuổi tác như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, suy gan, suy thận làm hệ miễn dịch suy yếu, khiến dễ mắc bệnh hô hấp hoặc làm các bệnh hô hấp mạn tính tăng nặng.
“Các bệnh do vi khuẩn phế cầu gặp ở người cao tuổi thường nặng hơn người trẻ, đặc biệt đối với trường hợp không có triệu chứng lâm sàng điển hình. Điều đó cũng lý giải vì sao người cao tuổi thường đi khám muộn, khi bệnh đã nặng, điều trị thường khó khăn và dai dẳng”, PGS Chu Thị Hạnh cho biết.
Điều trị viêm phổi do phế cầu khuẩn ở bệnh nhân lớn tuổi hoặc người có bệnh lý mạn tính rất khó khăn, nhất là khi phế cầu khuẩn có khả năng biến đổi, kháng lại nhiều loại kháng sinh. Vi khuẩn tiếp tục nhân lên trong cơ thể người bệnh ngay cả khi điều trị phối hợp bằng nhiều loại kháng sinh liều cao, dễ khiến điều trị thất bại. Chi phí cũng rất tốn kém, có thể lên tới 100 triệu đồng một ca do phải điều trị dài ngày.
Tiêm vắc xin - Lá chắn thép vững vàng bảo vệ lá phổi
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), viêm phổi cướp đi tính mạnh của 740.180 trẻ dưới 5 tuổi vào năm 2019 (22% tổng số ca tử vong của trẻ từ 1 - 5 tuổi). Viêm phổi khiến 25% những người trên 65 tuổi tử vong. Thống kê của CDC Hoa Kỳ vào năm 2020, viêm phổi kết hợp với cúm mùa đứng thứ 9 trong danh sách tác nhân gây tử vong hàng đầu ở quốc gia này.
Theo BS.CKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, vi khuẩn phế cầu Streptococus pneumoniae và vi khuẩn Hib là 2 tác nhân phổ biến nhất của viêm phổi do vi khuẩn; virus cúm là tác nhân phổ biến nhất gây viêm phổi do virus. Có đến 50% – 70% người khỏe mạnh mang vi khuẩn phế cầu trong mũi họng, chỉ chờ gây bệnh ngay khi có điều kiện thuận lợi. Phế cầu khuẩn có thể lây truyền khi hắt hơi, ho, đặc biệt dễ lây lan trong môi trường chật hẹp. Tỷ lệ mắc phế cầu khuẩn tập trung nhiều ở nhóm dưới 5 tuổi và đặc biệt cao với nhóm người già, người có bệnh nền mãn tính.
“Bình thường, vi khuẩn phế cầu và Hib cư trú ở đường hô hấp trên không gây bệnh (vi khuẩn ký sinh). Nhưng khi sức đề kháng ở trẻ nhỏ và người già bị suy giảm kết hợp với niêm mạc dẫn khí bị tổn thương sau một đợt viêm đường hô hấp trên, những vi khuẩn này dễ dàng xâm nhập và tấn công vào phổi, gây tổn thương nặng, suy hô hấp, dẫn tới phải thở máy, thậm chí tử vong hoặc gây ra viêm màng não, nhiễm trùng huyết - những bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao”, BS Bạch Thị Chính cho biết thêm.
Theo thống kê của CDC Hoa Kỳ, 1 trong 20 người bị viêm phổi do phế cầu sẽ tử vong. Các biến chứng của viêm phổi có thể dẫn đến viêm màng ngoài tim, phù thũng, xẹp phổi, tụ mủ trong phổi. Tỷ lệ tử vong này cao hơn khi bị viêm màng não do phế cầu khuẩn (1 trong 6 người lớn và 1 trong 12 trẻ em tử vong). Những trường hợp sống sót phải gánh chịu những di chứng lâu dài như đoạn chi do nhiễm trùng huyết; bị điếc hay chậm phát triển tâm thần do tổn thương não; nhiễm trùng tai; viêm xoang…
Đáng báo động, cùng với các bệnh đường hô hấp như viêm phổi, viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm màng não,... do phế cầu khuẩn, bệnh tiêu hóa như tiêu chảy cấp do Rotavirus, thương hàn, tả và bệnh truyền nhiễm theo mùa như: sốt xuất huyết, tay chân miệng đang tăng cao, cộng với tình trạng ô nhiễm môi trường, đề kháng kháng sinh, lo ngại hậu Covid-19 khiến các ca bệnh ngày càng có xu hướng phức tạp, tập trung vào hệ hô hấp, tàn phá lá phổi, gây suy kiệt sức khỏe, biến chứng và tử vong nếu không được phòng ngừa và điều trị kịp thời.
Tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch là giải pháp tối ưu nhất giúp tăng cường sức đề kháng, bảo vệ cơ thể toàn diện trước những mầm bệnh nguy hiểm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh, tiêm chủng là hoạt động đầu tư tài chính khôn ngoan nhất - với mỗi 1 đô la đầu tư vào tiêm chủng giúp tiết kiệm 16 đô la chi phí chăm sóc y tế, đồng thời tăng năng suất kinh tế.
BS.CKI Bạch Thị Chính cho biết để bảo vệ phổi, cần phải phòng ngừa sự xâm nhập của các tác nhân nguy hiểm như vi khuẩn phế cầu, vi khuẩn Hib và virus cúm. Hiện có một số loại vắc xin có thể phòng ngừa nguy cơ này tại Việt Nam như vắc xin Prevenar 13 (Bỉ) và Synflorix (Bỉ) ngừa phế cầu khuẩn gây ra các bệnh viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, viêm tai giữa ở trẻ em và người lớn, đặc biệt ở người cao tuổi có hệ miễn dịch yếu.
Ngoài ra, vắc xin cúm thế hệ mới và các vắc xin như 5 trong 1, 6 trong 1, vắc xin Quimi-Hib ngừa vi khuẩn Hib, vắc xin Boostrix và Adacel ngừa Ho gà - Bạch hầu - Uốn ván cũng có thể phòng viêm phổi và biến chứng nguy hiểm của viêm phổi.
“Sẽ rất khó để chúng ta sống trong một môi trường hoàn toàn không bị nhiễm khuẩn cũng như không tiếp xúc với người bệnh. Vắc xin chính là phát minh vĩ đại của nhân loại để bảo vệ con người khỏi dịch bệnh. Ngoài tiêm vắc xin ngừa các bệnh hô hấp , mỗi người cần tăng sức đề kháng bằng cách uống đủ nước, ngủ đủ giấc, ăn đủ chất, vận động và tập thể thao”, BS.CKI Bạch Thị Chính lưu ý.
Nhằm mang đến cho người dân những thông tin tổng quan và thiết thực về tình hình bệnh hô hấp, đặc biệt là các bệnh do phế cầu hiện nay cũng như thông tin về các loại vắc xin, lúc 20h thứ 6 ngày 10/6/2022 , Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC phối hợp với bệnh viện Đa khoa Tâm Anh và Báo điện tử VTV News (VTV.vn) tổ chức chương trình Tư vấn trực tuyến "Vắc xin phế cầu và các vắc xin cần thiết cho trẻ em và người lớn giai đoạn giao mùa".
Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành TTƯT.PGS.TS.BS. Chu Thị Hạnh - Phó Chủ tịch Hội hô hấp Việt Nam, Trưởng khoa Nội hô hấp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội; ThS.BS. Lê Phan Kim Thoa - Trưởng khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP HCM; BS.CKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa VNVC.
Bạn đọc có thể đón xem và gửi các thắc mắc về chương trình tại đây .