Phòng bệnh cho trẻ em khi thời tiết rét đậm, rét hại
Trời rét đậm ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của mọi người, nhất là những người có sức đề kháng kém như trẻ em.
Ghi nhận tại Khoa Sơ sinh - Cấp cứu Nhi thuộc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, số lượng bệnh nhi điều trị nội trú tăng đột biến trong đợt rét, hiện nay đang điều trị khoảng 150 - 200 bệnh nhi, trung bình 1 ngày Trung tâm Nhi khoa tiếp nhận khám và điều trị 50-60 bệnh nhi. Trong đó chủ yếu là bệnh nhi mắc các bệnh lý về đường hô hấp chiếm khoảng 80 - 90%, bao gồm cả cúm A, cúm B, COVID-19, Adenovirus, RSV,...
TS.BS Đoàn Thị Huệ, Khoa Sơ sinh - Cấp cứu Nhi cho biết: Các bệnh lý đường hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ như viêm VA, viêm mũi họng cấp, viêm Amidan, viêm thanh quản, viêm phế quản cấp, hen phế quản, viêm tiểu phế quản. Bệnh nhi ban đầu có các triệu chứng như: sốt cao, ho, ngạt mũi, khàn tiếng, chảy mũi nhiều, thở nhanh, thở khò khè, thở rít, quấy khóc nhiều, bú kém/ bỏ bú... Với nền nhiệt độ xuống thấp như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho các loại virus phát triển, trong khi trẻ nhỏ sức đề kháng yếu nên rất dễ nhiễm bệnh.
Để chủ động phòng tránh các bệnh lý nói chung, bệnh về đường hô hấp nói riêng, nhất là trong thời tiết giá lạnh, TS.BS Đoàn Thị Huệ khuyến cáo: Cha mẹ cần cho trẻ tiêm phòng đầy đủ theo lịch, mặc quần áo đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu, hạn chế ra ngoài khi nhiệt độ xuống quá thấp, không gian trong nhà cần được đóng cửa kín cẩn thận không để gió lùa. Uống nhiều nước ấm hàng ngày.
Nâng cao sức đề kháng cho trẻ như chế độ dinh dưỡng phải được đảm bảo, bổ sung đủ cả lượng và chất, ăn đủ bữa, mỗi bữa cần có đủ số lượng và chất lượng để nâng cao sức chống đỡ của cơ thể. Đặc biệt cần vệ sinh răng miệng, mũi họng, đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc khi tiếp xúc với khu vực đông người, khu vực nhiều nguy cơ... thực hiện cẩn thận để tránh nhiễm trùng cho trẻ, qua đó phòng tránh được các bệnh viêm đường hô hấp trên và dưới.
Theo dự báo, thời tiết rét đậm, rét hại sẽ còn kéo dài trong những ngày tới, cha mẹ cần phải theo dõi, nắm bắt dự báo thời tiết, từ đó có các biện pháp kịp thời để ứng phó, kết hợp chủ động phòng chống dịch COVD-19 và các bệnh cúm mùa cho trẻ, đảm bảo sức khỏe và đời sống, sinh hoạt thường ngày. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh, cần cho trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử lý kịp thời.