Phố Wall đảo chiều ngoạn mục, Fed đứng trước áp lực tăng lãi suất

Chia sẻ Facebook
14/10/2022 07:46:02

Dow Jones tăng vọt lên 1500 điểm sau khi báo cáo CPI của Mỹ cho thấy lạm phát tháng 9 vẫn cao hơn kỳ vọng, khiến Fed càng có động lực duy trì chính sách diều hâu.


Hôm 13/10, Bộ Lao động Mỹ đã công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo giá hàng hóa và dịch vụ, cho tháng 9. Theo báo cáo này, tỉ lệ lạm phát tháng 9 ở nền kinh tế số một thế giới ở mức 8,2% - giảm 0,1% so với hồi tháng 8, bất chấp việc giá xăng đã giảm gần 100 ngày và Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất.

Tuy nhiên, chỉ số CPI cốt lõi - thước đo hàng hóa và dịch vụ không bao gồm giá cả của những mặt hàng hay biến động như năng lượng và thực phẩm – tăng lên 6,6%trong tháng 9, từ mức 6,3% trong tháng 8. Đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 1982.

Trước khi báo cáo của Bộ Lao động Mỹ được công bố, các nhà kinh tế dự kiến sẽ cho thấy mức tăng CPI Mỹ hàng tháng sẽ tăng 0,1% trong tháng 8 lên 0,3% trong tháng 9, theo dữ liệu của Dow Jones. Trên cơ sở hàng năm, giá tiêu dùng được dự báo sẽ tăng 8,1%, giảm so với mức 8,3% của tháng Tám.

Báo cáo CPI tháng 9 là dữ liệu quan trọng trong cuộc họp của Fed vào đầu tháng 11. Ảnh: NY Post

Giá thực phẩm vẫn là một nguyên nhân chính khiến các hộ gia đình Mỹ “đau ví” trong tháng 9, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái và 0,8% so với tháng 8.

“Người Mỹ bị vắt kiệt bởi chi phí sinh hoạt. Điều này đã xảy ra trong nhiều năm, và mọi người không cần phải đọc báo cáo mới biết được điều đó. Tham gia vào trận chiến hàng ngày này là lý do chính khiến tôi tranh cử tổng thống”, Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu hôm 13/10 tại Los Angeles.

Ông thừa nhận nỗi đau mà lạm phát đang gây ra cho nhiều người, đồng thời cho rằng các số liệu mới nhất cho thấy những tín hiệu khả quan.

Ngay cả khi giá cả tăng đột biến, dữ liệu tháng 9 cho thấy giá của nhiều hàng hóa vật chất, bao gồm quần áo, ô tô đã qua sử dụng, đồ nội thất và thiết bị, đã giảm trong tháng trước. Một yếu tố quan trọng là các khó khăn trong chuỗi cung ứng đã giảm bớt và nhiều nhà bán lẻ lớn như WalMart và Target đã giảm giá một số mặt hàng để giải phóng các kho dự trữ dư thừa.

Tuy nhiên, mức giảm giá không quá nhiều như nhiều nhà kinh tế mong đợi, trong khi đó giá dịch vụ, bao gồm chăm sóc sức khỏe, sửa chữa ô tô và nhà ở lại tăng mạnh.

“Tiền thuê nhà, thực phẩm và bảo hiểm y tế đang thúc đẩy lạm phát”, bà Heather Long, nhà báo chuyên mục kinh tế của The Washington Post, đã viết trên Tweeter.

Bà cho biết chi phí bảo hiểm tăng 28% cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu bước nhảy vọt lớn nhất từ trước đến nay. Ngoài ra, giá thuê nhà tăng 7,2% so với một năm trước, mức tăng cao nhất kể từ năm 1982. Và hàng tạp hóa tăng 13% so với năm ngoái.

Giá thực phẩm tại Mỹ tăng 11,2% trong tháng 9. Ảnh: CNBC


Chứng khoán đảo chiều

Ngay sau khi báo cáo lạm phát được công bố, cổ phiếu Phố Wall đã có một đợt phục hồi đáng kể, kết thúc chuỗi bán tháo kéo dài 6 ngày.

Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng vọt lên 1.500 điểm, từ mức thấp lên mức cao nhất. Dow Jones đóng cửa ở mức 30.038,72, tăng 2,83%, sau khi giảm hơn 500 điểm trước đó trong ngày.

Chỉ số S&P 500 đóng cửa tăng 2,6% sau khi giảm 5,7% trong 6 phiên liên tục trước đó. Hôm 13/10, chỉ số này đã giảm 2,3% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/ 2020.

Chỉ số Nasdaq Composite tăng 2,23%, kết thúc phiên giao dịch ở mức 10.649,15.

Cổ phiếu năng lượng và ngân hàng tăng dẫn đầu đà phục hồi. Cổ phiếu của Chevron tăng 4,85% khi giá dầu tăng vọt, và cổ phiếu ngân hàng Goldman Sachs và JPMorgan tăng lần lượt 3,98% và 5,56%.

Cổ phiếu của các tên tuổi công nghệ lớn như Apple và Microsoft đảo chiều, trong khi cổ phiếu chất bán dẫn Nvidia và Qualcomm tăng đột biến, góp phần khiến chỉ số Nasdaq phục hồi mạnh mẽ.

Lợi suất kho bạc đã tăng lên mức cao nhất trong 14 năm sau khi dữ liệu lạm phát khiến lo ngại suy thoái vốn đã âm ỉ ngày càng trầm trọng. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã tăng 5,6 điểm cơ bản lên 3,958%, từ 3,902% vào cuối ngày 12/10.

Chỉ số Dow Jones bứt phá trong ngày 13.10. Ảnh: WSJ

Đồng Euro đang phục hồi sau khi giảm tới 0,72% sau khi giảm tới 0,72% so với đồng USD. Đồng Yên Nhật giảm 0,24% so với đồng bạc xanh xuống mức 147,24 đổi 1 USD, trong khi đồng bảng Anh giao dịch ở mức 1 bảng đổi 1,1324 USD, tăng 1,99% trong ngày.

Trải qua một phiên giao dịch đầy biến động, dầu thô lại tăng giá mạnh do tồn kho dầu diesel ở mức thấp trước mùa đông đã giúp các nhà đầu tư thu hẹp lượng dự trữ dầu thô và xăng cao hơn dự kiến. Giá dầu thô giao sau của Mỹ đã giảm 5,8% trong 3 phiên liên tiếp tính đến ngày 12/10 do lo ngại về nhu cầu.

Giá dầu thô Mỹ giao tháng 11 tăng 1,84 USD lên 89,11 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 12 tăng 2,12 USD lên 94,57 USD/thùng.

Giá xăng bán buôn giao tháng 11 tăng 7 cent lên 2,70 USD/gallon. Giá dầu sưởi tháng 11 tăng 16 cent lên 4,09 USD/gallon. Giá khí đốt tháng 11 tăng 30 cent lên 6,74 USD/1.000 feet khối.


Ở các mặt hàng khác, vàng giảm nhẹ do lạm phát. Giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 1.665,75 USD/ounce. Giá vàng có kỳ hạn của Mỹ giảm 0,25% xuống 1.670,00 USD/ounce.

Giá bạc giao tháng 12 giảm 2 cent xuống 18,92 USD/ounce và giá đồng giao tháng 12 tăng 1 cent lên 3,44 USD/pound.


Áp lực lên Fed

Mark Hamrick, nhà phân tích kinh tế cấp cao tại Bankrate, cho biết chỉ số giá tiêu dùng hàng năm có thể sẽ “tiếp tục tăng cho đến cuối năm”.

Chủ tịch Fed Jerome Powell và các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương khác vẫn kiên quyết rằng cần phải tăng lãi suất nhiều hơn để kiềm chế lạm phát, mặc dù các nhà đầu tư lo ngại chính sách thắt chặt sẽ gây ra suy thoái toàn cầu.

Báo cáo CPI tháng 9 là dữ liệu quan trọng sẽ được xem xét khi Fed tổ chức cuộc họp tiếp theo vào ngày 1-2/11. Một báo cáo việc làm tháng 9 được công bố vài ngày trước đó cũng khẳng định Fed có khả năng duy trì lập trường chính sách diều hâu.

Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 27/7 ở Washington, DC. Ảnh: CNBC


Các con số lạm phát trong tháng 9 khiến các nhà đầu tư đặt cược rằng Fed sẽ tăng lãi suất cho vay ngắn hạn thêm 0,75 điểm phần trăm lần thứ tư liên tiếp.

Fed đã nâng lãi suất ngắn hạn quan trọng lên 3 điểm phần trăm kể từ tháng 3, tốc độ tăng nhanh nhất kể từ đầu những năm 1980. Những khoản tăng này nhằm mục đích tăng chi phí đi vay cho các khoản thế chấp, cho vay mua ô tô và cho vay kinh doanh, đồng thời hạ nhiệt lạm phát bằng cách làm chậm lại nền kinh tế.

“Sau báo cáo lạm phát ngày hôm nay, không còn ai trên thị trường tin rằng Fed có thể tăng lãi suất dưới 75 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 11”, bà Seema Shah, Giám đốc Chiến lược Toàn cầu tại Principal Asset Management cho biết.

Tại cuộc họp vào cuối tháng 9, các quan chức Fed đã dự kiến lãi suất chủ chốt sẽ tăng lên khoảng 4,5% vào đầu năm tới. Đây sẽ là mức cao nhất trong 14 năm.


Một số nhà kinh tế hiện dự đoán Fed sẽ phải tăng lãi suất cao hơn nữa để đánh bại cơn lạm phát đã kéo dài dai dẳng. Tuy nhiên, chi phí đi vay cao hơn có nguy cơ đẩy nền kinh tế vào suy thoái .


Nguyễn Tuyết (Theo NY Post, AP, Reuters, CNBC)

Chia sẻ Facebook