Phó Thủ tướng yêu cầu điều hành xăng dầu phải tính toán giải pháp lâu dài, không để bị động
Điều hành nguồn cung xăng dầu, dư địa điều hành giá cả những tháng cuối năm, điều chỉnh giá dịch vụ công và áp lực lạm phát thời gian tới… là các vấn đề được thảo luận, phân tích kỹ lưỡng tại cuộc họp quý III của Ban Chỉ đạo điều hành giá, do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì sáng 13/10.
Phó Thủ tướng yêu cầu điều hành xăng dầu phải tính toán giải pháp lâu dài, không để bị động
Sắp tới, nguồn cung xăng dầu có thể khó khăn hơn
Tại cuộc họp, trước hết về vấn đề xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian qua, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã bám sát thực tiễn, điều hành giá tương đối phù hợp trong bối cảnh đặt ra nhiều mục tiêu cùng lúc, trong khi nguồn lực, công cụ còn hạn chế.
Tuy nhiên, vừa qua có hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu xin ngừng bán, đóng cửa, chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía Nam. Một trong các lý do của hiện tượng này, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải giải thích, giá xăng dầu từ tháng 6 đến nay giảm liên tục, do đó khi doanh nghiệp nhập vào giá thường cao hơn so với lúc bán ra, để giảm lỗ họ buộc phải cắt giảm chi phí, trong đó có chiết khấu. Khi chiết khấu thấp thì các đại lý bán cầm chừng hoặc không bán vì càng bán càng lỗ. Bên cạnh đó, một số chi phí tính giá xăng dầu như chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về đã tăng cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định, tình hình không nghiêm trọng như các cơ quan báo chí đã phản ánh, chỉ rải rác ở một số tỉnh, thành phố, một số khu vực. Đến tối ngày 12/10, phần lớn các cửa hàng đã bán trở lại bình thường.
Khẳng định dù một cửa hàng thiếu xăng dầu cũng là trách nhiệm của Bộ Công thương, Thứ trưởng cũng đề nghị đánh giá đúng mức, đúng bản chất vấn đề để không gây phức tạp thêm tình hình. “Vừa qua các bộ, ngành, địa phương đã rất cố gắng, chủ động trong điều hành. Đến nay cơ bản chúng ta đã xử lý được vấn đề” - ông Đỗ Thắng Hải cho hay.
Đánh giá về tình hình sắp tới, đại diện Bộ Công thương dự báo nguồn cung xăng dầu có thể khó khăn khi tình hình thế giới diễn biến phức tạp. Nhiều nước lo diễn biến xung đột Nga - Ukraine nên đã tập trung mua tích trữ. Bên cạnh đó, giá các yếu tố đầu vào của ngành điện cũng đang tăng cao.
Để góp phần ổn định tình hình giá cả thời gian tới, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, điều chỉnh chi phí sát thực tế. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, bởi doanh nghiệp cần nguồn tiền rất lớn để nhập hàng, trong khi hạn mức tín dụng ngày càng ít, giá ngày càng tăng, do đó ảnh hưởng đến lượng hàng nhập khẩu.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, nhấn mạnh trong 9 tháng đầu năm và nửa đầu tháng 10 năm 2022 công tác điều hành giá đối mặt với nhiều áp lực. Tuy nhiên, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các bộ ngành, địa phương, sự ủng hộ, đồng hành của nhân dân, doanh nghiệp, chúng đã nỗ lực điều hành giá hiệu quả theo mục tiêu đề ra.
Theo Phó Thủ tướng, trong những tháng còn lại của năm 2022, tình hình kinh tế, chính trị thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nhất là diễn biến giá xăng dầu rất khó lường. Ở trong nước, tới cuối năm nay một số chính sách hỗ trợ về thuế sẽ hết thời hạn, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ tăng rất cao; nhu cầu hàng tiêu dùng dịp tết nhất là lương thực, thực phẩm hàng tiêu dùng cũng tăng mạnh trong những tháng cuối năm; tác động của thiên tai, dịch bệnh… sẽ tác động tới công tác điều hành giá.
Chính vì vậy công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động, linh hoạt vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời tạo tuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát cả năm 2023.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các bộ ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là, theo dõi sát kinh tế và lạm phát thế giới và các biện pháp ứng phó của các nước, đặc biệt là các nước lớn, các đối tác thương mại quan trọng của nước ta; cập nhật sát tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa trên thị trường để kịp thời có các biện pháp điều hành giá chủ động, linh hoạt, hiệu quả, đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước.
Điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo mục tiêu đề ra, phối hợp hài hòa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành tín dụng, lãi suất, tỷ giá phù hợp,…
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả để chủ động thực hiện các biện pháp điều hành giá phù hợp, nhất là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như: Xăng dầu, năng lượng, lương thực thực phẩm, dịch vụ vận tải,…Bộ Công Thương triển khai các giải pháp để bảo đảm nguồn cung và hệ thống kinh doanh xăng dầu vận hành ổn định, hiệu quả.
Đối với những mặt hàng nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường (dịch vụ y tế, giáo dục, điện), Phó Thủ tướng giao các bộ ngành chủ động các phương án để triển khai điều chỉnh vào thời điểm thích hợp.
Các bộ ngành, địa phương sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Tăng cường triển khai công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những điểm còn hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác thông tin truyền thông, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải chủ động, kịp thời cung cấp công khai, minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dụng và doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận, ủng hộ đối với công tác quản lý, điều hành giá.
Nhật Quang