Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Chuyển đổi số không phải là việc làm của một cá nhân, một tổ chức

Chia sẻ Facebook
26/05/2023 07:07:14

VietTimes – Chia sẻ với những người làm công nghệ tại Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói rằng chuyển đổi số là công việc của toàn xã hội, và Việt Nam có thể "đi sau nhưng về trước" 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại diễn đàn Dx Summit 2023

Chuyển đổi số không phải là việc của một cá nhân, một tổ chức


Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói rằng ông có cảm xúc hết sức đặc biệt khi đến tham dự diễn đàn lần này, bởi vì ông nhận thấy là có rất nhiều các bạn trẻ tới tham dự sự kiện. Họ vừa là những người tham gia vào chuyển đổi số, vừa là người kiến tạo tiến trình này. Họ là lực lượng chính, là thế hệ tương lai của nước Việt Nam đang quan tâm và dành tâm huyết của mình cho lĩnh vực mà Phó Thủ tướng nói rằng “rất mới” và “quan trọng” này.


Phó Thủ tướng cũng ấn tượng với việc VINASA và các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tạo nên một diễn đàn cho các doanh nghiệp, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý của Việt Nam có dịp thảo luận cùng chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là khu vực châu Á, về dữ liệu và chuyển đổi số. Đây là một vấn đề đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu và là một xu thế tất yếu không thể đảo ngược.


Chuyển đổi số không thể một người làm được, không thể một tổ chức làm được. Chuyển đổi số phải tất cả mọi người đều làm thì chúng ta mới có được tài nguyên số và chuyển đổi số thành công ”, Phó Thủ tướng nói.

Chủ đề của diễn đàn là “Khai thác dữ liệu số và kết nối thông minh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”. Đây là hai lĩnh vực đóng góp quan trọng trong các trụ cột của kinh tế số. Phó Thủ tướng cho rằng chủ đề này hết sức phù hợp, hưởng ứng năm quốc gia về dữ liệu số.

Dữ liệu là tài nguyên xanh


Phó Thủ tướng nói rằng dữ liệu còn hơn cả một mỏ vàng. “ Dữ liệu là một tài nguyên vô tận, sáng tạo từ tư duy và trí tuệ con người. Nó thay đổi tài nguyên thiên nhiên mà thế giới đã khai thác, đã sử dụng và đã dựa vào nó trong suốt chiều dài lịch sử của loài người. Đến bây giờ chúng ta đã tìm ra một mỏ vàng mới, mà lớn hơn mỏ vàng mới – đó là tài nguyên mới, tài nguyên xanh.


Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Thế giới cũng đang bước vào thập niên nhìn nhận lại quá trình phát triển trước đây của mình. Theo một báo cáo nghiên cứu, nếu việc tăng dân số và giữ mô hình phát triển như trước đây thì chúng ta phải tìm ra 3 Trái Đất giàu tài nguyên thì mới đủ nuôi sống nhân loại. Điều gì sẽ làm thay đổi thế giới? Đó là chính là cuộc cách mạng khoa học công nghệ với kinh tế số, chuyển đổi số, tài nguyên số - đó là những tài nguyên mới ”, Phó Thủ tướng nói.

Kinh tế số là định hướng phát triển chiến lược của Việt Nam. Chúng ta đã nhìn thấy những thách thức của mình, thách thức trong con đường phát triển – và chúng ta đã lựa chọn con đường phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp và net zero. Điều này là một thách thức rất lớn, nhưng cũng là một cơ hội rất lớn để Việt Nam có thể thay đổi một cách cơ bản mô hình phát triển của mình để hướng tới lấy năng suất lao động, sức cạnh tranh; hướng tới phát triển kinh tế - xã hội nhanh nhưng cũng phải bền vững. Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với hội nhập thực chất, hiệu quả.


Các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước chúng ta đang chuyển nhanh từ phương thức truyền thống sang phương thức trực tiếp là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, kinh tế tri thức trong đó kinh tế số là trọng tâm ”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Video bài phát biểu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (phần 1)

Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ từ công nghệ thông tin sang công nghệ số kết hợp với các thành tựu trong công nghệ viễn thông; từ thông tin quản lý bằng giấy tờ sang cơ sở dữ liệu quốc gia và coi đây là một nguồn tài nguyên vô tận trong sự phát triển và chuyển đổi của mình. Từ gia công là một công đoạn, giờ đây chúng ta đã có một hệ sinh thái công nghiệp số bao gồm thiết kế, xây dựng, chế tạo và từng bước đưa tất cả hoạt động kinh tế - xã hội trên con đường chuyển đổi số để nâng cao năng suất.

Các công nghệ mới như kết nối vạn vật, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, Blockchain, điện toán đám mây… đang diễn ra và hiện diện ở rất nhiều lĩnh vực. Nhà nước, chính phủ cũng đang chuyển đổi sang chính phủ điện tử, chính phủ số.

Tư duy từ doanh nghiệp, từ khoa học công nghệ

Phó Thủ tướng nói rằng chính phủ phải xác định các hướng đi cần thiết để chuyển đổi nhanh sang chính phủ điện tử, thông qua các dịch vụ công, thông qua các nhiệm vụ theo thẩm quyền nhằm tạo lập môi trường pháp lý để định hướng và dẫn dắt cho cuộc cách mạng công nghệ.

“Tư duy phải từ doanh nghiệp, tư duy phải từ khoa học công nghệ sẽ giúp cho chính phủ có nhận thức và có sự đổi mới. Bởi vì chúng ta thấy trong cuộc cách mạng số, cứ sau một tuần, một tháng lại có một sản phẩm mới, khiến cho văn bản pháp luật khó chạy theo được.

Chỉ có các doanh nghiệp, các nhà khoa học trong chuyển đổi số mới có thể hình dung và đưa ra đóng góp cho khuôn khổ chính sách. Các bạn là người trong cuộc, các bạn mới thấy được những khó khăn cần phải được chính phủ hỗ trợ, đồng hành. Nói như vậy để thấy một phần trách nhiệm từ chính phủ, nhưng cũng có phần trách nhiệm từ các nhà khoa học, các nhà công nghệ, các doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.

Video bài phát biểu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (phần 2)


Người phụ trách mảng Văn hóa Xã hội, Y tế, Giáo dục và Công nghệ của Chính phủ nói rằng, về mặt chủ trương, Đảng và Nhà nước đã sớm có nhận thức rất đúng đắn về khoa học công nghệ, về chuyển đổi số. Nhưng về mặt chính sách, thể chế hóa thành pháp luật thì chưa kịp thời. “ Đến nay những vấn đề về mặt tiêu chuẩn, định mức, chính sách khuyến khích, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển đồng bộ hạ tầng, quy hoạch, vẫn còn có thiếu sót. Chúng ta có Nghị quyết của TW, của Đảng hết sức toàn diện, nhưng việc tổ chức thực hiện và tổ chức thể chế còn khó khăn. Điều này chúng tôi sẽ khắc phục rất sớm ”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.

Việt Nam là một nước không đi quá sớm, nhưng cũng không quá muộn trên con đường chuyển đổi số. Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến 2030, xác định 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, trong đó có việc hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ số.


Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc về chính phủ điện tử, Việt Nam đang đứng thứ 86 trên 193 quốc gia ; chỉ số Dịch vụ trực tuyến xếp thứ 76 trên 193 quốc gia. Kinh tế số Việt Nam được Google đánh giá là phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Theo thống kê của Bộ Thông tin Truyền thông, kinh tế số chiếm trên 14% GDP.

Phó Thủ tướng cho rằng cần phải có những phân tích kỹ càng về những con số trên để tìm ra hướng đi đúng, tìm ra con đường cần hướng tới.


Tôi xin được thay mặt đồng chí Thủ tướng, biểu dương những nỗ lực, kết quả đạt được của các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các nhà quản lý hoạt động trên lĩnh vực chuyển đổi số. Các bạn thực sự đã tạo ra những kết quả hết sức ấn tượng đối với sự phát triển của Việt Nam. Xin chúc mừng các bạn ”, Phó Thủ tướng nói.

Biến Việt Nam trở thành một nước “đi sau nhưng về trước”

Quá trình chuyển đổi số phải được nhìn nhận là một cơ hội cho sự thay đổi, cho phát triển bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực là những thách thức luôn song hành. Nếu Việt Nam biết tận dụng những cơ hội và vượt qua những thách thức, thì theo Phó Thủ tướng, trong cuộc đua về chuyển đổi số giữa các quốc gia, Việt Nam có thể là nước “đi sau nhưng về trước”.

Chuyển đổi số cũng cần đảm bảo các tiêu chuẩn công nghệ, tiêu chuẩn an ninh. Bảo vệ an toàn dữ liệu cá nhân, dữ liệu nhà nước, tổ chức, chính là vấn đề an ninh quốc gia. Thực tế cần có một môi trường pháp lý trên phạm vi toàn cầu cho các tiêu chuẩn an ninh an toàn thông tin, giống như các vấn đề về biến đổi khí hậu, an toàn hạt nhân.

Nhiều nhà khoa học trên thế giới cũng đang kêu gọi xây dựng một môi trường pháp lý trên phạm vi toàn cầu. Họ cũng nhấn mạnh vấn đề đạo đức và an ninh mạng trong chuyển đổi số cũng như chia sẻ và hợp tác trong chuyển đổi số. Đây là vấn đề khó khăn nhất trên phạm vi thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam.


Việt Nam đang hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về chuyển đổi số, nhưng việc này không bao giờ đi trước được, trừ khi có sự hợp tác của các nhà khoa học và các doanh nghiệp ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Trần Hồng Hà nói tiếp rằng, vấn đề đạo đức và văn hóa trong xã hội số cũng đang được đặt ra. Các doanh nhân và nhà nghiên cứu phải đánh giá được những tác động của các yếu tố này nhằm đem lại những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho xã hội, cho thế giới. Phó Thủ tướng dẫn chứng phát minh về năng lượng nguyên tử, nếu ứng dụng dân dụng thì rất tốt, nhưng nếu đưa vào chiến tranh thì hậu quả rất ghê gớm.

Ngày nay, các công nghệ tiên tiến ra đời liên tục. Một công nghệ ra đời hôm nay nhưng hôm sau đã trở thành lạc hậu. Phó Thủ tướng nói rằng chúng ta phải dựa vào khoa học công nghệ, phải dựa vào đổi mới sáng tạo và tiến hành đổi mới không ngừng thì mới có thể theo kịp tốc độ phát triển của thế giới. Trong đó các nhân tố đào tạo con người, nghiên cứu cơ bản, kết nối các ngành khoa học, kết nối toàn xã hội là những nhiệm vụ mà chúng ta cần phải vượt qua.

Sửa đổi, bổ sung các luật, Nghị định để thúc đẩy CNTT và chuyển đổi số

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, chính phủ sẽ tiến hành sửa đổi Nghị định số 73 về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT; bổ sung các điều luật về CNTT, luật Viễn thông, Luật Giao dịch điện tử.


Hiện nay, chính phủ đang triển khai Đề án 06 ( phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số - PV ), từng bước giải quyết các vấn đề về hạ tầng, vận hành, cơ chế, cũng như bảo mật. Đặc biệt, xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu là rất quan trọng, bởi dữ liệu là trái tim, là mỏ vàng, là tài nguyên mới – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

“Chúng ta cần phải hết sức thẳng thắn, khoa học để đánh giá được những nỗ lực của Chính phủ, đề xuất những việc Chính phủ phải làm nhanh hơn, kịp thời hơn, toàn diện hơn; bởi vì thiếu đi một khâu nào đó cũng không được”, Phó Thủ tướng nói.

Người phụ trách lĩnh vực Khoa học của Chính phủ cũng gợi ý doanh nghiệp có thể đề xuất chính phủ thành lập một Trung tâm công nghệ số. Các doanh nghiệp sẽ đóng góp các thành quả của mình để xây dựng Trung tâm lớn mạnh, thu hút được nhân tài cả trong và ngoài nước, tạo ra các sản phẩm có tầm cỡ quốc tế.

Chia sẻ Facebook