Phó thủ tướng Lê Văn Thành nói giải pháp làm bằng được 3.000km cao tốc
Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho hay Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 3.000km đường cao tốc và tới năm 2030 hoàn thành 5.000km đường cao tốc.
Phát biểu giải trình thêm ở phần trả lời chất vấn của bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chiều 9-6, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho biết phải ưu tiên bố trí nguồn lực để hoàn thành tuyến đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025.
Chính phủ đã trình Quốc hội và được thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn, bổ sung nguồn vốn từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bố trí cho đường cao tốc. Chính phủ cũng đã trình Quốc hội tại kỳ họp này 5 tuyến cao tốc.
Theo đó, tổng chiều dài các tuyến cao tốc đang triển khai là 1.932km, số kilômet đường cao tốc đã hoàn thành tới thời điểm hiện nay là 1.290km. Tính cả các công trình đã hoàn thành đưa vào khai thác và các công trình đang triển khai thì có 3.222km cao tốc.
Về tiến độ triển khai cụ thể các dự án, Phó thủ tướng nêu rõ tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã được Quốc hội phê chuẩn chủ trương đầu tư năm 2017 với chiều dài 654km, đã khởi công rải rác trong 3 năm 2019, 2020, 2021, sẽ hoàn thành toàn tuyến vào năm 2023.
Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 với chiều dài 729km được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường tháng 1-2022, hiện đã triển khai lập dự án đầu tư, kiểm đếm, cắm mốc chỉ giới, lập phương án đền bù.
Toàn bộ 729km sẽ khởi công vào năm 2022, phấn đấu hoàn thành vào năm 2025, thông toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam vào năm 2025 với tổng chiều dài là 2.063km từ Lạng Sơn đến Cà Mau.
Các tuyến còn lại, tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu, tuyến Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dự kiến khởi công tháng 6-2023 nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác, sử dụng năm 2026.
Đường vành đai 3 TP.HCM và đường vành đai 4 vùng thủ đô sẽ khởi công vào tháng 6-2023, năm 2023 và cơ bản hoàn thành vào năm 2026.
Lãnh đạo Chính phủ thông tin qua tổng hợp số liệu, tổng chiều dài các tuyến cao tốc được triển khai và hoàn thành giai đoạn 2021-2025 gấp gần 4 lần giai đoạn 2015-2020 (1.932/487km).
Tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách thực hiện đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025 cũng gấp gần 4 lần so với giai đoạn 2015-2020 (339.000/89.000 tỉ đồng).
Ông cũng nhấn mạnh, Chính phủ xác định đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề và để triển khai, phải tập trung cao nguồn lực, đầu tư dứt điểm, không dàn trải. Cạnh đó, Quốc hội đã phân bổ 339.000 tỉ đồng nên đủ điều kiện để triển khai dứt điểm các công trình trong giai đoạn tới đây.
Cùng với đó cần rút ngắn thủ tục đầu tư từ 1-2 năm, trước đây triển khai 2-3 năm, tới đây chỉ triển khai trong 1 năm.
Đồng thời, Quốc hội đã ban hành các nghị quyết cho phép chỉ định thầu các gói thầu, từ khảo sát thiết kế tới đền bù, tái định cư, di dời, xây lắp và đây là những nghị quyết rất quan trọng, quyết định để hoàn thành được tiến độ hay không.
Về các thủ tục về cấp mỏ ở các địa phương, theo Phó thủ tướng, vừa qua Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết để đảm bảo nguồn cung vật liệu cho giai đoạn 1.
Bên cạnh đó, căn cứ nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ sẽ phân cấp cho Bộ Giao thông vận tải, các địa phương có tuyến cao tốc đi qua làm cơ quan chủ quản quyết định đầu tư các dự án đường bộ cao tốc.
Chính phủ đã thành lập ban chỉ đạo với thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành, các địa phương có tuyến cao tốc đi qua; thực hiện giao ban định kỳ hằng tháng để kiểm điểm tiến độ công việc... Trường hợp tới đây các nhà thầu chậm tiến độ phải thay ngay...
Thừa nhận đây là dự án có nhiều bức xúc ở TP Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết đã có những phương án kết thúc BOT trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài nhưng phải ách do dịch bệnh COVID-19 khiến doanh thu BOT sụt giảm.