Phó giám đốc Công an TP.HCM: 'Nhiều người lầm tưởng lên mạng xã hội muốn nói gì nói, làm gì thì làm'

Chia sẻ Facebook
09/05/2022 01:10:37

Đại biểu Nguyễn Sỹ Quang - phó giám đốc Công an TP.HCM - cho rằng nhiều người lầm tưởng lên mạng xã hội muốn nói gì nói, muốn làm gì làm và khuyến cáo người dân khi tham gia mạng xã hội phải tuân thủ pháp luật và có thái độ đúng mực.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Quang phát biểu tiếp thu ý kiến cử tri - Ảnh: ĐAN THUẦN

Sáng 7-5, tổ đại biểu Quốc hội đơn vị số 2 - TP.HCM gồm các đại biểu: Đỗ Đức Hiển - ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Nguyễn Sỹ Quang - phó giám đốc Công an TP.HCM, Trần Kim Yến - bí thư Quận ủy quận 1, đã tiếp xúc cử tri quận 1, 3, Bình Thạnh.


Tại buổi tiếp xúc, nhiều ý kiến cử tri bày tỏ bức xúc trước nạn tham nhũng, tiêu cực. "Thời gian qua, cử tri cả nước nức lòng khi nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng bị khởi tố, các cá nhân tham nhũng bị bắt giam, được người dân đồng tình. T uy nhiên nhìn lại những vi phạm vừa rồi rất đau lòng, ví dụ như vụ Việt Á vì liên quan đến y đức" - cử tri Hoàng Thị Lợi (phường Bến Nghé, quận 1) phát biểu.


Còn cử tri Nguyễn Hữu Châu (phường Võ Thị Sáu, quận 3) chia sẻ nhân dân rất bức xúc về vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm liên quan đến nhiều lãnh đạo TP.HCM kéo dài hơn 25 năm làm cho hàng ngàn người dân bị dồn vào cảnh lầm than.

Cử tri Nguyễn Hữu Châu đề nghị giải quyết dứt điểm sai phạm tại khu đô thị mới Thủ Thiêm - Ảnh: ĐAN THUẦN


"Mong các cơ quan thẩm quyền có quyết định công khai về thời hạn dứt điểm, nhất là việc xử lý những cá nhân vi phạm cả về mặt Đảng lẫn mặt pháp luật. Làm được như vậy mới tạo được niềm tin của nhân dân" - ông Châu nói.


Trong khi đó, cử tri Ngô Thanh Loan (phường 27, quận Bình Thạnh) có ý kiến liên quan đến vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng . Theo bà Loan, bà Hằng đã lợi dụng mạng xã hội để livestream và lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ nhiều cá nhân, kể cả một số lãnh đạo.

Dù bà Hằng đã bị Công an TP.HCM bắt tạm giam để điều tra nhưng những "fan cuồng" của bà vẫn cho rằng bà bị bắt oan, là người bảo vệ người yếu thế, là "bồ tát sống"... tiếp tục ca ngợi bà Hằng.


"Một số luật sư tham gia hỗ trợ, livestream cùng bà Hằng chửi bới, vu khống nhiều cá nhân. Đáng tiếc trong đó có một tiến sĩ luật, một người với trình độ nhận thức pháp luật như thế nhưng không ngăn chặn những việc làm vô thiên, vô pháp của bà Hằng. Tôi đề nghị Đoàn luật sư và Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM có ý kiến, xem xét xử lý nghiêm minh tiến sĩ luật đã hỗ trợ cho bà Hằng" - cử tri Loan bức xúc.

Tiếp thu ý kiến đóng góp của cử tri, đại biểu Nguyễn Sỹ Quang cho biết trong 10 vụ án và các vụ việc đưa vào diện theo dõi của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, TP.HCM có 4 vụ án và 8 vụ việc.

Qua đấu tranh, Công an TP.HCM và các cơ quan tố tụng đã thu hồi số tiền trên 1.300 tỉ đồng do tham nhũng mà có.

Về các hoạt động lợi dụng quyền tự do dân chủ để vi phạm pháp luật, đại biểu Nguyễn Sỹ Quang khẳng định các cá nhân không thể sử dụng quyền tự do cá nhân để xâm phạm quyền riêng tư, quyền nhân thân của người khác, của Nhà nước.

Ý thức, thái độ, kỹ năng sử dụng mạng xã hội của nhiều cá nhân còn hạn chế. Nhiều người lầm tưởng lên mạng muốn nói gì nói, muốn làm gì làm. Khi tham gia mạng xã hội thì phải tuân thủ pháp luật, thái độ đúng mực trong cư xử.

"Không chỉ khuyến cáo, yêu cầu gỡ bài và xử lý vi phạm hành chính, vừa qua Công an TP.HCM cùng các cơ quan chức năng phát hiện xử lý 6 vụ với 8 bị can vi phạm điều 331. Từ việc này, mong rằng đồng bào cử tri nhận thức rằng không thể lợi dụng quyền tự do cá nhân để vi phạm pháp luật" - đại biểu Nguyễn Sỹ Quang trao đổi với cử tri.

Những người giúp bà Nguyễn Phương Hằng quản lý các kênh trên mạng xã hội, bàn bạc kịch bản, khách mời tham gia các buổi livestream được công an mời lên làm việc, làm rõ vai trò.

Chia sẻ Facebook