Phó Chủ tịch EuroCham: Kinh tế Việt Nam sẽ xanh hơn và giàu có hơn, nếu chính phủ, doanh nghiệp và xã hội có mục tiêu dài hạn đúng đắn
Ông Gabor Fluit, phó chủ tịch EuroCham khuyến nghị Việt Nam nên đẩy nhanh chuyển dịch bảng cơ cấu năng lượng quốc gia theo hướng 'xanh hóa'.
Là một quốc gia ven biển, Việt Nam đang ngày càng nhận thấy tác động to lớn của biến đổi khí hậu. Các cơn bão và lũ lụt ngày càng nặng nề, vấn đề xâm nhập mặn, sạt lở đất do mực nước biển dâng cao đang tàn phá cuộc sống của người dân.
Nhận thức được vấn đề đó, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có cam kết mạnh mẽ tại COP26 là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ông Gabor cho rằng đó là một tín hiệu rõ ràng để các nhà đầu tư tại Châu Âu đẩy mạnh đầu tư vào nền kinh tế bền vững của Việt Nam.
Theo ông Gabor, điều quan trọng là chính phủ cần có những khung pháp lý và chính sách rõ ràng hơn để các nhà đầu tư Châu Âu yên tâm khi rót vốn vào Việt Nam.
“Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt NAm khi chuyển dịch sang kinh tế xanh là chưa hiểu rõ chính phủ muốn gì, hoặc họ có thể đóng góp điều gì vào sự chuyển đổi đó. Năng lượng tái tạo là một trong lĩnh vực được châu Âu rất quan tâm và đánh giá có nhiều tiềm năng tại Việt Nam, nhưng về mặt chính sách vẫn còn rất nhiều việc phải làm”,
Ngoài ra, những vấn đề còn tồn tại như rào cản hành chính vẫn tiếp tục là nguyên nhân cản trở đầu tư vào Việt Nam.
Thống kê của VCCI tháng 5/2022 cho thấy, cấp phép xây dựng, phê duyệt phòng cháy chữa cháy, đánh giá tác động môi trường và quyết định chủ trương đầu tư là những rào cản hành chính hàng đầu của doanh nghiệp FDI tại VN. 1,7% doanh nghiệp FDI cũng phải dành trên 10% doanh thu cho “chi phí không chính thức”.
Bên cạnh đó, những ưu tiên tiếp theo để thu hút đầu tư nước ngoài là cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, và thu hút sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài về kinh tế xanh, theo đại diện EuroCham.
Dù vậy, thúc đẩy kinh tế bền vững, chuyển đổi xanh cần một nguồn vốn khổng lồ, hiện là vấn đề nan giải không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều quốc gia trên thế giới. Song, Việt Nam có thể thành công nếu chứng minh được những nỗ lực và cam kết của mình trước các nhà tài trợ lớn (stakeholders) của Châu Âu, ông Gabor Fluit cho biết.
“Những quan điểm và suy nghĩ của các nhà tài trợ (stakeholders) là rất quan trọng. Họ đặt ra cho chúng tôi những câu hỏi như: Quốc gia này nghĩ gì về phát triển bền vững? Chính sách của họ ra sao để tạo ra một sân chơi công bằng? Vì vậy, chúng tôi vẫn đang làm nhiều cách để thuyết phục họ rằng VN là một điểm đến đúng đắn cho các nguồn đầu tư lớn cho tăng trưởng xanh”,
“Nếu chính phủ, doanh nghiệp và xã hội cùng đặt ra một mục tiêu dài hạn đúng đắn, sẽ không mâu thuẫn nếu tôi nói rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ trở nên xanh hơn nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng. Để mỗi người dân Việt Nam có nhiều tiền hơn để tiêu, và Việt Nam có thể tiến lên trở thành một quốc gia có thu nhập cao”,
Nam Trần