Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp: Lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sẽ tạo đột phá trong phòng, chống tham nhũng

Chia sẻ Facebook
17/05/2022 01:11:16

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, việc lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ tạo ra những chuyển biến đột phá, tích cực, mạnh mẽ, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ giữa "xây" và "chống".


Trên dưới đồng lòng


- Vừa qua, Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ông bình luận thế nào về quyết định trên?

+ Việc Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) nhằm cụ thể hóa quyết định của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị cao, hành động nhanh, quyết liệt của Hà Nội, ngay sau khi Hội nghị Trung ương lần thứ năm bế mạc.

Điều này sẽ tạo ra những chuyển biến đột phá, tích cực, mạnh mẽ, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ giữa "xây" và "chống", trở thành xu hướng tất yếu trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của thành phố, góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, tạo khí thế “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực trong thời gian tới ở Hà Nội.

Trước mắt, Hà Nội cần áp dụng những kinh nghiệm quý từ hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Trong các cơ quan có chức năng PCTN, tiêu cực, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động phát hiện, xử lý tham nhũng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong các đơn vị trực tiếp đấu tranh chống tham nhũng.


+ Với mô hình Ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành dự kiến do Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy làm Trưởng ban chỉ đạo, ông có lưu ý gì với vị trí này khi vừa qua đã có một số Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy dính sai phạm, bị kỷ luật?


- Giao cho Bí thư làm trưởng BCĐ cấp tỉnh thì cần chú ý phát huy vai trò, vị thế, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCTN, tiêu cực. Đồng thời, sẽ ban hành “Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí và bảo vệ người tích cực đấu tranh PCTN, lãng phí; xử lý nghiêm những người lợi dụng chống tham nhũng, tiêu cực để vu khống, gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ”.

Ngạn ngữ Việt Nam có những câu “Sông có khúc, người có lúc” hay “Thức lâu mới biết đêm dài, sống lâu mới biết dạ ai thế nào”… Trong thực tế, một số người đứng đầu cấp ủy đảng trực thuộc Trung ương không lâu sau khi được tín nhiệm đã bội tín, làm điều sai trái.

Chẳng hạn, ngay sau Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020, không ít bí thư cấp ủy nổi lên như một “hiện tượng” cả về năng lực công tác, đổi mới tư duy, phong cách lãnh đạo. Có đảng viên, sau khi được bầu làm bí thư cấp ủy, trước báo chí đã phát biểu những “câu xanh rờn” “những lời có cánh”. Có cán bộ lãnh đạo khi được bầu làm bí thư cấp ủy còn rất trẻ, mới 39 tuổi... Ấy vậy mà chỉ sau đó một thời gian ngắn, một số người đứng đầu cấp ủy đảng đã vi phạm kỷ luật và bị cách mọi chức vụ, khai trừ khỏi Đảng, thậm chí rơi vào “vòng lao lý”.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là công tác kiểm tra, giám sát của các tổ chức, cấp ủy đảng ở nhiều nơi thời gian qua quá “bận rộn” chạy theo vụ việc, thậm chí bị động. Công tác kiểm tra phòng ngừa vi phạm là một trong những hạn chế, thành ra khi vụ, việc được phát hiện, xử lý thì hậu quả đã quá nghiêm trọng rồi. Có lẽ chính vì thế Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Triển khai quyết liệt, thường xuyên, toàn diện, đồng bộ công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, phục vụ thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh”.


Cán bộ là “then chốt của then chốt”


+ Giải pháp gì để nâng cao được trách nhiệm của người đứng đầu trong cuộc chiến PCTN, tiêu cực, thưa ông?

- Một trong những công việc “then chốt của then chốt” là sắp xếp, luân chuyển, đề bạt, cất nhắc cán bộ. Ngay từ đầu là người đứng đầu phải chủ động, trực tiếp kiểm tra, giám sát cấp dưới trong việc triển khai Nghị quyết Đại hội. Điều này hoàn toàn không mới mẻ mà là bài học kinh nghiệm quý từ lâu Đảng ta đã đúc kết: “Lãnh đạo thì phải kiểm tra, không kiểm tra coi như không lãnh đạo”.

Việc kiểm tra, giám sát ngay từ những ngày đầu, tháng đầu khi nhận nhiệm vụ đối với người đứng đầu là một khâu vô cùng quan trọng. Nếu được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, nền nếp sẽ đem lại rất nhiều lợi ích, nhất là khắc phục xu hướng tham nhũng quyền lực bằng tạo ra “cánh hẩu”, “lợi ích nhóm”...

Thời gian qua, vẫn còn không ít người đứng đầu chưa dành nhiều thời gian, tâm sức cho việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra, giám sát để phòng ngừa. Ở nhiều nơi, người đứng đầu cấp ủy “khoán trắng” việc kiểm tra, giám sát cho ủy ban kiểm tra cùng cấp và cho đồng chí thường trực cấp ủy hoặc đồng chí phó bí thư chuyên trách mảng công tác xây dựng Đảng.

Thực tiễn những năm qua cho thấy, ở đâu và khi nào, người đứng đầu quan tâm, coi trọng và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, thì ở đó, vai trò trách nhiệm của ủy ban kiểm tra được phát huy, hoạt động kiểm tra, giám sát được đẩy mạnh; nội bộ đoàn kết thống nhất; kỷ luật, kỷ cương được giữ vững, cán bộ, đảng viên ít vi phạm kỷ luật, thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt kết quả tốt; tổ chức đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Trong khi đó, khi có vụ việc vi phạm kỷ luật Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, người đứng đầu cấp ủy thường “vô can” hoặc “chịu trách nhiệm” một cách chung chung đã làm giảm đi vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cũng như kỷ luật, kỷ cương của Đảng. Do vậy, xây dựng quy chế, quy định trong đó xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác kiểm tra, giám sát là một trong những việc rất cần thiết hiện nay.


Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ Facebook