Phim “Đất rừng phương Nam”: Một nồi lẩu điện ảnh
Việc nói phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” là một nồi lẩu. Tại sao thế? Vì rằng, giống như cái cách chúng ta ăn lẩu khá phổ biến hiện nay.
Khi nói rằng phim “ Đất rừng phương Nam ” là một nồi lẩu điện ảnh, tôi không hề có ý chê. Bởi vì tôi thích ăn lẩu, nhiều người trong gia đình và nhiều bạn bè tôi cũng thích ăn lẩu, và nếu tính cả “cộng đồng ăn uống” rộng lớn ngoài kia thì người thích lẩu sẽ nhiều không kể xiết.
Tất nhiên có lẩu ngon có lẩu dở, ngon hay dở thì còn tùy thuộc vào nguyên liệu, vào tài của người nấu, và cả vào khẩu vị của người thưởng thức nữa, nhưng về cơ bản chúng ta dễ nhất trí rằng chúng ta thích được ăn lẩu ngon, tôi nghĩ vậy.
Trở lại việc nói phim điện ảnh “ Đất rừng phương Nam ” là một nồi lẩu. Tại sao thế? Vì rằng, giống như cái cách chúng ta ăn lẩu khá phổ biến hiện nay: với một nồi nước lẩu sôi sùng sục trên bếp, ta sẽ thả vào đó bất cứ thứ gì có thể ăn được, từ các loại rau, củ, quả, nấm, đậu phụ, đến các loại thịt thà cá mú, các loại nội tạng động vật v.v.... Nguyên liệu càng phong phú đa dạng thì nhúng vào nồi nước lẩu đưa lên miệng ăn càng ngon, bản giao hưởng của thực phẩm bỏng giẫy, ồn ào trên đầu lưỡi và trong dạ dày.
Thì phim điện ảnh “ Đất rừng phương Nam ” cũng không khác thế. Các nhà làm phim đã làm ra một nồi lẩu đa thức đa vị: một tí thương cảm của câu chuyện đứa bé mất mẹ lạc cha trong thời loạn, một tí xúc động về lòng người sẵn sàng cưu mang bảo bọc nhau trong cơn nguy khó, một tí tinh thần hào sảng nghĩa hiệp giang hồ, một tí chủ nghĩa ái quốc ở những người dân hết sức bình thường, một tí bi một tí hài, một tí hành động võ thuật gay cấn, một tí phong cảnh thiên nhiên hoang dã đẹp mãn nhãn, một tí đại cảnh thuyền ghe chợ nổi ồn ào tấp nập (mà đã chơi đến đại cảnh thì ắt phải đầu tư lớn, cả về tiền bạc lẫn năng lực chỉ đạo quán xuyến)...
Nói chung phim “ Đất rừng phương Nam ” phiên bản điện ảnh có đủ các nguyên liệu để mang đến đủ cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố cho khán giả vào rạp xem phim.
Ở nhiều buổi chiếu, khi hết phim, nhiều khán giả đã đứng lên vỗ tay tán thưởng đầy hứng khởi, và trên mặt thì vẫn còn nguyên dấu vết của những xúc động mà bộ phim đã để lại trong họ.
Với một bộ phim – phim Việt Nam, tôi nhấn mạnh - hướng mạnh mẽ đến thị trường điện ảnh rộng lớn, đến doanh thu phòng vé để thu hồi vốn và tái sản xuất, nói cách khác, một bộ phim nhắm cái đích là kéo khán giả đến rạp để họ được giải trí một cách toại nguyện, thì như thế là thành công. (Đến giờ này nghe nói doanh thu của phim đã đạt trên 100 tỷ. So với vốn đầu tư sản xuất trên 40 tỷ và trừ đi tỉ lệ ăn chia với các rạp chiếu, vậy là phim đã có lãi).
Tuy nhiên khán giả chưa bao giờ là một tập hợp đơn nhất. Có khán giả này thì cũng có khán giả kia, khán giả phổ thông và khán giả (tạm gọi là) tinh hoa luôn đồng tồn tại và đều có quyền lên tiếng phê bình.
Phim “ Đất rừng phương Nam ” được nhiều người khen, nhưng người chê cũng không ít, thậm chí không phải chê mà là công kích và vùi dập.
Nhiều lỗi trong phim đã được/ bị vạch ra: lỗi kịch bản, lỗi diễn xuất, lỗi trang phục và đạo cụ v.v... Có hai lỗi lớn ở phim này.
Thứ nhất, như người ta nói, là những người làm phim đã không tôn trọng tác phẩm gốc, tức tiểu thuyết “ Đất rừng phương Nam ” của nhà văn Đoàn Giỏi. Và thứ hai, như một hệ quả kéo theo, rằng họ đã làm sai lạc lịch sử, thậm chí xuyên tạc lịch sử,...
Tôi biểu đồng tình với việc bắt lỗi lớn thứ nhất. Phim điện ảnh “ Đất rừng phương Nam ” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, dù lấy nguyên vẹn cái tên tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi, nhưng không hề là chuyển thể, cải biên, phóng tác, hay “ lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học ” (như đạo diễn từng trả lời trên báo).
Nó chỉ mượn cái tên tác phẩm - và tên của một vài nhân vật trong tác phẩm - mà thôi, mượn để kể một câu chuyện khác hẳn, trong một bối cảnh thời gian đã bị kéo lùi về trước khoảng hai mươi năm so với thời gian trong tiểu thuyết của Đoàn Giỏi.
Nếu như truyện kể trong tiểu thuyết Đoàn Giỏi là một truyện kể phiêu lưu trên cái nền cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú và cuộc sống vô cùng sinh động của con người ở đất và rừng Nam Bộ thời Pháp quay lại tái chiếm, thì truyện kể trong phim Nguyễn Quang Dũng lại là một truyện kể phiêu lưu... chỉ để mà phiêu lưu.
Cái tính chất địa lý – phong tục trong phim gần như bị triệt tiêu, trừ một vài cảnh quay rừng tràm Trà Sư, bãi bùn cửa Trần Đề, hay cảnh đại dựng lại không khí chợ nổi trên sông.
Tôi không phản đối việc đất và rừng phương Nam trong phim của Nguyễn Quang Dũng có thể là một sự khác về nhiều mặt với đất và rừng phương Nam trong tiểu thuyết của Đoàn Giỏi – sáng tạo theo nguyên lý liên văn bản cho phép người ta làm như vậy – nhưng khi đã lấy nguyên vẹn tên tác phẩm, và tuyên bố rằng phim này “ lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học ” – thì bắt buộc tác giả của tác phẩm phái sinh phải tôn trọng những yếu tố cơ bản nhất của tác phẩm gốc: bối cảnh không – thời gian; và cốt truyện, trên những nhân vật và các sự kiện chính. Bằng không, nó sẽ chỉ là một tác phẩm mạo danh, ăn theo, núp bóng danh tiếng của tác phẩm có trước mà thôi.
Nhưng tôi không cho rằng những người làm phim điện ảnh “ Đất rừng phương Nam ” đã xuyên tạc lịch sử...
Chúng ta hãy nhớ lại: Khi một vị nữ tiến sĩ văn học xem phim vào những ngày đầu công chiếu, đã thất thanh kêu rằng những người làm phim đã nhầm lẫn chi tiết lịch sử khi để những nhân vật Thiên Địa hội, Nghĩa Hòa đoàn xuất hiện trong phim, bởi vì các tổ chức này đã ngừng hoạt động vào năm 1915, 1916, khi cuộc khởi nghĩa Phan Xích Long thất bại. Chị ra sức chứng minh bằng việc viện dẫn các công trình khảo cứu, nghiên cứu của nhà văn Sơn Nam và học giả Trần Văn Giàu.
Rắc rối này chỉ lắng xuống khi đạo diễn Nguyễn Quang Dũng trả lời trên báo rằng những nhà làm phim đã chủ ý kéo lùi thời gian câu chuyện trong tiểu thuyết “ Đất rừng phương Nam ” của nhà văn Đoàn Giỏi về trước đó khoảng hai mươi năm.
Điện ảnh Việt Nam đang nỗ lực vươn mình để trở thành một trong những công nghiệp văn hóa quan trọng nhất. Nó cần sản xuất thật nhiều phim theo nhiều kiểu loại. Và chính những phim giải trí doanh thu trăm tỷ và hơn nữa, như “ Đất rừng phương Nam ” chẳng hạn, mới là những phim mang lại sức mạnh thể chất cho nền công nghiệp điện ảnh non trẻ của chúng ta, để từ cái nền ấy mới mong chồi lên những tác phẩm đỉnh cao của nghệ thuật điện ảnh.
Có thể chê, nhưng đừng vùi dập.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.