Philippines hoang tàn, chìm trong nước sau ảnh hưởng của siêu bão Noru

Chia sẻ Facebook
26/09/2022 11:06:14

Sau khi đổ bộ vào đất liền Philippines, bão Noru đã gây ra thiệt hại nặng nề. Hàng loạt cây cối, cột điện, trạm liên lạc bị quật ngã. Một số khu vực mất điện, chìm trong nước. Hiện tại vẫn chưa có thông tin chính thức thiệt hại về người và tài sản.

Bão Noru, cơn bão nhiệt đới mạnh cấp 3 ngay khi xuất hiện đã được xem là mối hiểm họa đối với người dân Philippines. Nước này thậm chí đã phải ban hành báo động đỏ và đưa hàng nghìn người dân đi sơ tán. Sau khi đổ bộ vào phía Đông Bắc thủ đô Manila của Philippines, siêu bão Noru đã đi qua hòn đảo Luzon, Philippines.

Siêu bão Noru trực tiếp đổ bộ vào các cảng biển Philippines. (Ảnh: AFP)

Thông báo của Cục khí tượng Philippines PAGASA, sau 2 lần đổ bộ, càn quét tại Philippines, cơn bão này đã có dấu hiệu suy yếu, tuy nhiên, sức gió vẫn lên tới 195km/h, giật mạnh 240km/h và được xếp vào hàng siêu cuồng phong theo thang sức gió Beaufort.

Gió mạnh khiến cây cối ven đường đều bị quật ngã. (Ảnh: AFP)


Sau khi vào Philippines, bão Noru đã đánh vào các cảng biển và quật ngã hàng loạt cây cối, cột điện. Một số khu vực trên đảo Luzon đã bị mất điện hoàn toàn, người dân chỉ biết sống trong bóng tối. Chia sẻ với đài phát thanh DZRH, Eliseo Ruzol, thị trưởng thị trấn ven biển General Nakar cho biết: "Hiện tại gió đã dịu hơn nhưng trời tối vì chúng tôi không có điện".

Một số thiết bị hư hỏng nặng nề do sức gió. (Ảnh: Reuters)

Trong một số bức hình được ghi lại, toàn bộ đảo Luzon của Philippines ngập trong nước, mực nước cao gần tới cổ của một người đàn ông. Hiện tại, nước này vẫn chưa có thông tin thiệt hại chính thức về người và tài sản.

Một số địa phương ở Philippines bị mất điện, chìm trong nước. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, sau khi bão Noru càn quét Philippines đêm ngày 25/9, sáng nay, 26/9, tổng thống Marcos đã ra lệnh cho tạm dừng các lớp học và hoạt động kinh doanh ở đảo Luzon, tất cả các chuyến bay, phà, xe buýt cũng phải dừng hoạt động do mưa lớn và gió mạnh làm đổ cây cối, đường điện, ảnh hưởng tới việc di chuyển.

Người dân được sơ tán trước khi cơn bão ập đến để hạn chế thiệt hại về người. (Ảnh: Reuters)

Trước đó, sau khi có thông tin về đường đi của bão Noru, chính phủ Philippines đã cho sơ tán  gần 8.400 người dân cũng như chuẩn bị các phương án cứu hộ, cứu nạn dự phòng. Sáng 26/9, tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr cũng đăng tải trên mạng xã hội và yêu cầu người dân nên ở nhà, đóng cửa toàn bộ những khu vực không khẩn cấp để giảm thiểu tối đa thiệt hại từ cơn bão số 3 lần này.

Philippines chìm trong biển nước. (Ảnh: AFP)

Bên cạnh đó, theo thông tin từ Reuters, trước khi cơn bão Noru đổ bộ vào đất liền Philippines, có hơn 2000 người đã bị kẹt tại các cảng, không thể về do các phương tiện giao thông dừng hoạt động trước bão.

Mực nước cao ngập đầu một người đàn ông trưởng thành. (Ảnh: Reuters)

Dự kiến, sau khi đi qua Philippines, siêu bão Noru sẽ đi qua biển Đông. Tại đây, cùng với sức gió từ biển, cơn bão này sẽ được tăng cấp trước khi đổ bộ vào các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận ở Việt Nam.

Theo dự báo bão của Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia Việt Nam, khoảng 4 giờ ngày 26/9, bão Noru nằm ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 119,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây đảo Luzon, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 810km về phía Đông. Hiện tại, sức gió ghi nhận tại tâm bão của siêu bão Noru vẫn đạt cấp 12 - 13, giật cấp 14.

Hiện siêu bão Noru đã đi vào biển Đông và có xu hướng mạnh lên trước khi đổ bộ vào Việt Nam. (Ảnh: PASAGA)


Thông tin từ VnExpress, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định Noru là cơn bão lớn nhất trong khoảng 20 năm trở lại đây. Hiện tại, các cơ quan, lực lượng chức năng đã lên kế hoạch ứng phó cũng như sơ tán người dân đến những nơi an toàn hơn. Ông Hiệp chia sẻ: “Các kịch bản ứng phó hiện đã có. Ưu tiên là con người, sau đó tới tàu thuyền và nuôi trồng thủy sản. Chúng ta cố gắng kêu gọi các tàu thuyền ra khỏi khu vực nguy hiểm trong 24 giờ tới, theo hướng chạy ra phía bắc hoặc nam, tránh chạy vào bờ vì rất nguy hiểm”.

Các địa phương đã chủ động lên kế hoạch dự phòng để đảm bảo an toàn cho người dân. (Ảnh: TTXVN/ Công An Tỉnh Nghệ An)

Cơn bão Noru được đánh giá là có mức độ phức tạp và nguy hiểm cao, không loại trừ việc nó sẽ thay đổi đường đi. Chính vì vậy, bà con không nên chủ quan mà phải tuyệt đối tuân thủ theo sự hướng dẫn của địa phương.

Ngoài ra, trong những tình huống xấu, không loại trừ việc các khu vực bị chia cắt bởi bão, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã yêu cầu các địa phương ngoài việc đảm bảo an toàn cho người và tài sản thì cần chuẩn bị sẵn lương thực, thực phẩm để hỗ trợ người dân khi cấp bách.


Những thông tin mới nhất về siêu bão Noru sẽ được cập nhật liên tục tại YAN !

Do vị trí nằm sát biển nên những năm gần đây, miền Trung nước ta luôn phải đón nhận những cơn bão lớn. Tuy nhiên, có thể thấy, việc biến đổi khí hậu toàn cầu khiến mức độ nguy hiểm của các cơn bão ngày càng gia tăng, gây ra nhiều thiệt hại về người và của. Bên cạnh những giải pháp tức thời khi bão ập đến, chúng ta cần có kế hoạch lâu dài để hạn chế ảnh hưởng của bão như việc trồng cây ven biển, trên rừng để hạn chế sức gió và nước từ bão gây ra sạt lở, sụt lún nghiệm trọng.


Xem thêm những tin tức mới nhất tại đây !

Chia sẻ Facebook