Philippines cáo buộc tàu TQ cưỡng đoạt vật thể nghi là mảnh vỡ tên lửa ở Biển Đông
Một tàu tuần duyên của Trung Quốc bị cáo buộc "cưỡng đoạt" một vật thể trôi nổi, được cho là mảnh vỡ tên lửa, khỏi tàu của Philippines trên Biển Đông.
Tác giả, Yvette Tan Vai trò, BBC News 21 tháng 11 2022
Chụp lại hình ảnh, Một tàu tuần duyên Trung Quốc (hình tư liệu)
Phó Đô đốc Alberto Carlos của Hải quân Philippines nói tàu Trung Quốc đã chặn đường họ hai lần, và cuối cùng vớt lấy vật thể này.
Các quan chức Trung Quốc chưa đưa ra phản hồi gì về cáo buộc.
Vụ việc diễn ra vào lúc Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đang thăm Philippines.
Mảnh vỡ được phát hiện lần đầu tiên vào hôm Chủ Nhật, lúc 06:45 giờ địa phương (22:45 GMT thứ Bảy), gần Đảo Pagasa (Việt Nam gọi là đảo Thị Tứ) hiện do Philippines kiểm soát, Phó Đô đốc Carlos nói.
Ông nói thêm rằng các sĩ quan đã tiến hành đến hiện trường và tìm thấy một vật thể "kim loại" trôi nổi không xác định.
Khi họ đang kéo vật thể về thì tàu tuần duyên Trung Quốc mang số hiệu 5203 đã tiếp cận vị trí của họ và "sau đó chặn đường dự kiến của họ hai lần".
Ông cho biết thuyền Trung Quốc sau đó đã "cưỡng đoạt" vật thể bằng cách cắt dây kéo gắn với xuồng cao su của Philippines. Không ai bị thương trong vụ việc, ông nói thêm.
Người phát ngôn Cheryl Tindog cho biết các thủy thủ đã không chiến đấu với vụ cưỡng đoạt này vì đó "không phải là vấn đề sống chết".
Bộ Ngoại giao Philippines cho biết họ đã biết tin và sẽ tiến hành xem xét.
Hồi đầu tháng, các mảnh vỡ kim loại cũng được tìm thấy tương tự ngoài khơi đảo Busuanga thuộc tỉnh Palawan ở phía tây và ở thị trấn Calintaan thuộc tỉnh Occidental Mindoro.
Các quan chức nói họ tin rằng các mảnh này có khả năng là các bộ phận của tên lửa Long March 5B của Trung Quốc, được phóng đi hồi đầu tháng 11 từ Trung tâm Phóng vũ trụ Văn Xương trên đảo Hải Nam.
Đảo Hải Nam cách nơi vật thể mới nhất được tìm thấy hơn 1.000 km.
Cơ quan vũ trụ Hoa Kỳ Nasa trước đây đã kêu gọi Trung Quốc thiết kế tên lửa có thể rã thành nhiều mảnh nhỏ hơn khi quay trở lại Trái Đất, theo tiêu chuẩn quốc tế.
Vụ việc diễn ra khi Phó Tổng thống Mỹ đang chuẩn bị tới thăm tới đảo Palawan của Philippines, nằm dọc theo vùng biển có tranh chấp nóng bỏng ở Biển Đông.
Bà Harris là quan chức cấp cao nhất của Hoa Kỳ đến thăm kể từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr lên nắm quyền, và chuyến thăm nhiều khả năng nhằm khôi phục quan hệ với Manila.
Biển Đông là một trong những khu vực có nhiều tranh chấp nhất trên thế giới - với một số quốc gia tuyên bố quyền sở hữu các đảo nhỏ và rạn san hô và quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên ở vùng biển này.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết liệt đối với khu vực tranh chấp này và đã nhanh chóng tăng cường hiện diện quân sự để hỗ trợ những tuyên bố đó.
Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam phản đối việc Trung Quốc ra yêu sách đối với gần như toàn bộ Biển Đông.