Phiên tòa phúc thẩm vụ án tại Tịnh thất Bồng Lai: Nóng tranh luận về số phận Diễm My
Sau 2-3 năm, số phận của cô gái tên Diễm My vẫn là bí ẩn khi gia đình, chính quyền địa phương và cả nhóm người ở Tịnh thất Bồng Lai đều không biết cô đi đâu, làm gì?
Ngày 2/11, tại phiên tòa phúc thẩm xét xử nhóm người ở Tịnh thất Bồng Lai (xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), các bị cáo tiếp tục nghe Hội đồng xét xử xét hỏi, trả lời. Trong đó, vấn đề số phận của cô gái tên Võ Thị Diễm My được cho là bí ẩn. Bởi hiện nay, sau 2-3 năm vụ việc xảy ra, không ai biết cô gái này đang ở đâu, còn sống hay đã chết.
Cụ thể, theo đại diện phía Công an huyện Đức Hòa có mặt tại tòa là ông Trần Quốc Thắng (điều tra viên, Công an huyện Đức Hòa) thì ngày 12/12/2019, ông được ban chỉ huy công an huyện giao giải quyết đơn của vợ chồng bà Mai về hành vi giam giữ trái pháp luật, xâm phạm quyền tự do cá nhân ở Tịnh thất Bồng Lai.
“Khi giải quyết tin báo, tôi có mời Võ Thị Diễm My và ông Thắng, bà Mai (bố mẹ Diễm My) lên làm việc. Trong quá trình làm việc, Diễm My không hợp tác, cán bộ công an không ghi lời khai được, nên giao My cho ba mẹ ruột", ông Thắng trình bày. Tuy nhiên, nhóm người ở Tịnh thất Bồng Lai lại quay video bên ngoài cổng trụ sở Công an huyện Đức Hòa và nói rằng “Công an bắt cóc Diễm My” rồi đăng tải lên mạng xã hội, gây nhiều bình luận trái chiều, hiểu lầm.
Nói về điều này, ông Nguyễn Sơn (Trưởng Công an huyện Đức Hòa, đại diện bị hại) cho rằng, video quay tại Công an huyện Đức Hòa gây ảnh hưởng đến công an huyện trong việc bắt giữ người trái pháp luật, đề nghị HĐXX xét xử nghiêm nhằm răn đe.
Trong khi đó, liên quan tới cô gái Diễm My, bà Đoàn Thị Tuyết Mai (mẹ của Diễm My) chia sẻ, hiện không biết con gái đang ở đâu, sống chết như thế nào. Đồng thời, bà Mai đề nghị Cơ quan điều tra tiến hành điều tra tìm kiếm Diễm My. Theo bà Mai, sau khi phía Công an huyện Đức Hòa giao Diễm My cho bà để đưa về nhà. Cô gái này đã sinh sống cùng bà khoảng từ 6-8 tháng rồi sau đó bỏ đi. Hiện từ đó gia đình bà không liên lạc hay có tin tức gì.
Cũng trong phiên xét xử ngày 2/11, các bị cáo Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương và Lê Thanh Nhị Nguyên đồng loạt cho rằng bản thân không thực hiện hành vi như bản án sơ thẩm đã nêu. Bị cáo kêu oan, yêu cầu xét xử lại từ đầu, tuyên bị cáo không có tội vì cho rằng bản thân bị ép cung,...
Theo bản án sơ thẩm thì năm 2016, ông Lê Tùng Vân cùng các bị cáo và một số người khác sống tại xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, do Cao Thị Cúc làm chủ hộ. Ông Lê Tùng Vân đã biến nơi đây thành cơ sở tu tại gia lấy tên là Tịnh thất Bồng Lai, sau đó đổi tên cơ sở này thành Thiền am bên bờ vũ trụ.
Từ năm 2019 đến năm 2021, các bị cáo trên đã sử dụng phương tiện như máy tính, điện thoại di động để đăng tải lên mạng xã hội những thông tin sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc, nhằm tuyên truyền, kích động xúc phạm uy tín của Công an huyện Đức Hòa, xúc phạm phật giáo... làm ảnh hưởng an ninh chính trị, trật tự xã hội ở địa phương. Cơ quan điều tra xác định các bị cáo đã đăng 5 video và một bài viết trên mạng xã hội. Đây là hành vi có tổ chức, xâm phạm đến cơ quan Nhà nước, tổ chức tôn giáo và cá nhân.
Theo Đoàn Xá