Phiên tòa lịch sử: Google bị cáo buộc trả hơn 10 tỷ USD mỗi năm để thống trị tìm kiếm

Chia sẻ Facebook
15/09/2023 03:15:09

Các công tố viên Mỹ đã cáo buộc Google trả hơn 10 tỷ USD hàng năm cho các thỏa thuận để đảm bảo đây là công cụ tìm kiếm mặc định trên điện thoại di động và máy tính, phiên tòa chống độc quyền quan trọng nhất trong 25 năm diễn ra ở Washington vào thứ Ba (12/9).

“Vụ việc này liên quan đến tương lai của internet và liệu công cụ tìm kiếm của Google có phải đối mặt với sự cạnh tranh có ý nghĩa hay không”, công tố viên Kenneth Dintzer của Bộ Tư pháp Mỹ (DoJ) nói trong vụ kiện cáo buộc Google thống trị tìm kiếm trên internet thông qua các thỏa thuận phi cạnh tranh.


Ảnh: AFP

Google nói sự thống trị là nhờ chất lượng vượt trội

Dintzer cho biết tập đoàn công nghệ này từ năm 2010 đã bắt đầu “duy trì trái phép” thế độc quyền mà mình đã thiết lập. Ông nói thêm rằng Google hiện chiếm khoảng 89% thị trường tìm kiếm trên internet.

Trong tuyên bố mở màn phiên tòa, luật sư của Google, John Schmidtlein, đã lập luận về “áp lực cạnh tranh” mà công ty phải đối mặt trong lĩnh vực tìm kiếm “chưa bao giờ đa dạng hoặc quan trọng hơn thế”.

Ông nói thêm rằng cáo buộc trên nhằm 'mục đích bóp méo sự cạnh tranh trong tìm kiếm' và chỉ trích rằng thật sai lầm khi 'buộc mọi người sử dụng sản phẩm kém chất lượng trong thời gian ngắn là góp phần mang lại sự cạnh tranh về lâu dài”.

Đây là phiên tòa xét xử độc quyền cấp cao nhất kể từ khi Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Microsoft vào những năm 1990 rằng gã khổng lồ này muốn lật đổ trình duyệt web tiên phong lúc bấy giờ là Netscape bằng sự thống trị của mình.

Khiếu nại của DoJ cáo buộc Google đã loại các đối thủ cạnh tranh bằng cách trả cho các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến, nhà phát triển trình duyệt và nhà sản xuất thiết bị hàng tỷ đô la thông qua các thỏa thuận đảm bảo các tính năng của công cụ tìm kiếm của họ nổi bật trên điện thoại di động và máy tính.

Google lập luận rằng họ cung cấp một sản phẩm tốt mà công chúng lựa chọn sử dụng. Họ cũng cho biết các thỏa thuận được đề cập chủ yếu do các đối tác của họ như Apple hoặc Samsung đặt ra.

Thẩm phán Amit Mehta, người đang xét xử vụ án, hôm thứ Ba đã yêu cầu luật sư Schmidtlein phản hồi về cáo buộc của DoJ rằng sự kết hợp của Google và các thỏa thuận mặc định của nó đã dập tắt sự cạnh tranh, khiến nó trở thành lựa chọn khả thi duy nhất.

Schmidtlein trả lời: “Tòa án này không thể can thiệp vào thị trường và không thể nói rằng 'Này Google, bạn có sản phẩm tốt nhất, chất lượng tốt nhất… nhưng tôi rất tiếc vì bạn không thể trở thành mặc định'. Đó mới là một sự vi phạm luật chống độc quyền của Mỹ”.

Sẽ có phán quyết lịch sử từ phiên tòa?

Trong tuyên bố mở đầu của mình, công tố viên Dintzer của DoJ đã nêu chi tiết về thỏa thuận của Google với Apple, khiến công cụ tìm kiếm của họ trở thành mặc định trong trình duyệt Safari của Apple. “Đây là hành vi thể hiện sự độc quyền”, Dintzer nói.

Theo giáo sư Sean Sullivan tại Đại học Luật Iowa, để thắng kiện tại phiên tòa, “việc DoJ chứng tỏ rằng Google đã quá lớn hoặc các đối thủ cạnh tranh của họ đang phải vật lộn để xâm nhập vào nó là chưa đủ. Họ phải chứng minh rằng Google đã duy trì vị thế độc quyền thông qua hành vi phản cạnh tranh”.

Chính phủ Mỹ cũng cáo buộc sự độc quyền của Google về lĩnh vực quảng cáo, khi cho rằng Google tăng giá bằng cách “thao túng” các cuộc đấu giá cho quảng cáo tìm kiếm. Các công tố viên liên bang cũng tuyên bố công ty công nghệ này đã giấu bằng chứng và tiêu hủy tài liệu trong nhiều năm.

DoJ cho biết hầu hết các nhân chứng của họ trong phiên tòa xét xử dự kiến kéo dài khoảng 10 tuần này sẽ là nhân viên hiện tại hoặc cựu nhân viên của Google, cũng như những cá nhân bị ảnh hưởng bởi hành vi của công ty công nghệ này.

Google cho biết các nhân chứng của họ sẽ bao gồm nhân viên cũng như các giám đốc điều hành cấp cao từ các đối tác tham gia thỏa thuận của họ, chẳng hạn như Samsung, Motorola và T-Mobile.

DoJ vào tháng 1 cũng từng đệ một đơn kiện chống độc quyền khác chống lại Google vì sự thống trị trong thị trường quảng cáo kỹ thuật số, một trong những nỗ lực chống độc quyền của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với các ông lớn công nghệ (Big Tech).

Chia sẻ Facebook