Phía sau việc Mỹ cắt giảm tài trợ cho Viện Virus học Vũ Hán
Chính quyền Mỹ đã quyết định chặn nguồn tài trợ cho Viện Virus học Vũ Hán với lý do các câu hỏi về an toàn và bảo mật chưa được giải đáp.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden mới đây cho biết, họ đã đình chỉ các khoản tài trợ và hợp đồng với Viện Virus học Vũ Hán, một chi nhánh của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, do nghi ngờ viện này vi phạm quy trình an toàn sinh học và không tuân thủ các quy định của Mỹ.
Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, động thái này là “cần thiết để giảm thiểu mọi rủi ro sức khỏe cộng đồng tiềm ẩn” do viện này không cung cấp các tài liệu cần thiết như mục sổ ghi chép trong phòng thí nghiệm và các tệp khác theo các điều khoản tài trợ bắt đầu từ năm 2014.
Việc phòng thí nghiệm này không giao nộp các tài liệu quan trọng về công việc nghiên cứu virus corona của họ “là bằng chứng đầy đủ để chứng minh rằng việc đình chỉ tài trợ ngay lập tức là cần thiết để bảo vệ lợi ích công cộng”, theo một bản ghi nhớ của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ.
Viện Virus học Vũ Hán đã nhận được bản ghi nhớ và có 30 ngày để giải đáp các thắc mắc. Trong thời gian đó, viện này sẽ không đủ điều kiện để nhận các hợp đồng và trợ cấp liên bang mới cũng như các loại tài trợ khác từ Mỹ.
Viện Virus học Vũ Hán đã nhận được hơn 1,4 triệu USD tiền tài trợ từ Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) kể từ năm 2014 đến năm 2020.
Năm 2020, khoản tài trợ bị tạm dừng do các câu hỏi về nguồn gốc của đại dịch, sau đó được tiếp tục vào tháng 5/2023, nhưng với điều kiện tổ chức này không được tiến hành nghiên cứu ở Trung Quốc hoặc với động vật.
Theo ông Chen Xi, phó giáo sư y tế công cộng tại Đại học Yale, quyết định của Mỹ là một tiền lệ hiếm gặp, nhưng trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang đi xuống trong những năm gần đây, ông không ngạc nhiên về điều đó.
Ông Chen cho biết, tác động của việc hủy bỏ khoản tài trợ có thể là rất sâu rộng, và rằng đã có sự suy giảm nhanh chóng trong hợp tác nghiên cứu giữa các tổ chức Mỹ và Trung Quốc do NIH tài trợ.
“Nó càng làm xói mòn niềm tin giữa 2 chính phủ và các nhà khoa học trong công tác nghiên cứu nhằm ngăn chặn đại dịch tiếp theo, cũng như các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu khác”, ông Chen nhận định.
Ông Huang Yanzhong, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Toàn cầu tại Đại học Seton Hall ở Mỹ, cũng đồng tình với ý kiến này.
“Việc rút tiền tài trợ dường như không có tác động đáng kể đến hoạt động thường ngày của Viện Virus học Vũ Hán hay ngành nghiên cứu y học Trung Quốc. Tuy nhiên, quyết định này chắc chắn sẽ gửi một tín hiệu đáng sợ cho sự hợp tác y sinh giữa Mỹ và Trung Quốc trong tương lai”, ông Huang nói.
“Việc đình chỉ tài trợ cho phòng thí nghiệm có thể vô tình khuyến khích Trung Quốc tìm kiếm sự độc lập và tự túc hơn trong việc tuân thủ, do đó làm giảm đòn bẩy của Washington trong lĩnh vực này”, ông Huang nhận định .
Nguyễn Tuyết (Theo SCMP, Bloomberg, Washington Post)