Phi tần nhà Thanh thường đi giày “Hoa bồn để”, hóa ra vai trò của nó rất đặc biệt
Nếu từng xem các bộ phim cung đấu Trung Quốc hẳn bạn cũng biết phi tần nhà Thanh thường đi đôi giày đế bằng hoa rất đặc biệt.
Giày “Hoa bồn để” còn được gọi là “Kỳ hài” hay “Giày cao gót”. Gót của giày nằm ở giữa, cao từ năm đến mười phân. Các phi tần khi nhập cung đều phải tập đi trên đôi giày này. Nhìn thôi đã thấy không đơn giản chút nào. Vì sao các phi tần nhà Thanh phải đi đôi giày như vậy? Hóa ra ý nghĩa của nó rất đặc biệt.
Giúp dáng đi thêm uyển chuyển
Phi tần hậu cung thường mặc những bộ trang phục rất dài, đi giày đế bằng hoa sẽ giúp họ tăng chiều cao, mặc trang phục cũng đẹp hơn. Khi bước đi, họ phải giữ thẳng lưng, chân bước chậm rãi, khoan thai. Dù vội vàng cũng chỉ bước được những bước ngắn.
Lúc bước đi họ cũng vung tay ra trước, về sau để giúp cơ thể duy trì trạng thái cân bằng. Thêm một chiếc khăn tay, nhìn dáng đi của họ uyển chuyển, điệu đà hơn rất nhiều.
Cuộc đấu trí giữa chốn hậu cung khốc liệt. Phi tần mang kỳ hài sẽ giúp họ trở nên nổi bật hơn, có cơ hội thu hút ánh nhìn của vua.
Nguồn gốc của kỳ hài
Liên quan chuyện công chúa báo thù cho cha
Một câu chuyện được truyền lại rằng, khi phụ vương của công chúa tộc Mãn Châu Đa La Cam Chu bị thủ lĩnh bộ lạc tên Cáp Tư Cổ Hãn sát hại, kinh thành A Khắc Đội của họ cũng bị chiếm cứ.
Công chúa đã quyết tâm đoạt lại thành trì, báo thù cho cha. Nhưng xung quanh thành là đầm lầy, nước sâu hơn 3 thước (hơn 1m) nên người và ngựa không cách nào qua được. Sau nhiều đêm suy nghĩ, nhớ đến đôi chân dài của hạc trắng, Đa La Cam Chu đã chế ra loại giày có phần đế cao giúp nàng đưa quân vượt đầm lầy, lấy lại kinh thành, hoàn thành tâm nguyện rửa hận báo thù.
Sau này, phụ nữ Mãn tộc hình thành thói quen sử dụng loại giày này khi đi hái nấm và quả dại để tránh côn trùng, rắn độc. Càng về sau kỳ hài ngày càng được chế tác tinh xảo, đẹp mắt và trở thành bản sắc "độc nhất vô nhị" của phụ nữ Thanh triều.
Tục bó chân của người Hán
Xưa kia bàn chân “Kim liên tam thốn” (tức gót sen ba tấc) được xem là chuẩn mực cho nét đẹp của phụ nữ Hán tộc. Để sở hữu bàn chân như ý các thiếu nữ phải chấp nhận đau đớn thực hiện tục bó chân với quan niệm chân càng nhỏ càng đẹp.
Sau khi người Mãn lật đổ nhà Minh, lập ra nhà Thanh, triều đình phong kiến thực hiện nhiều quyết sách để truyền bá văn hóa của người Mãn, xóa bỏ ảnh hưởng phong tục tập quán của người Hán bao gồm việc cấm tất cả phụ nữ bó chân.
Tuy nhiên, nam giới nhà Thanh vẫn chịu ảnh hưởng của tục lệ cũ chỉ thích lấy vợ bó chân để tỏ ra là quý tộc. Còn phụ nữ Mãn tộc thì vốn quen với cưỡi ngựa săn bắn, sùng bái đôi chân tự nhiên.
Vậy là những chiếc kỳ hài ra đời để giải quyết mâu thuẫn. Kiểu giày với phần đế cao giúp đôi chân được giấu khéo léo dưới lớp xiêm y dài, không lộ bàn chân to thô mà họ cho là kém thẩm mỹ.
Chống lại cái lạnh
Người Mãn vốn đến từ vùng Đông Bắc lạnh lẽo nên việc mang giày đế cao có tác dụng giữ ấm, tránh khí lạnh nhiễm vào lòng bàn chân và toàn bộ cơ thể.