Phê duyệt chủ trương đầu tư cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc
Tuyến đường dự kiến có 4 làn ô tô và 2 làn dừng xe khẩn cấp liên tục, bề rộng nền đường đạt 22m, vận tốc thiết kế đảm bảo xe chạy 80km/h.
Ngày 10/11/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc được phê duyệt với mục tiêu từng bước xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn thời gian kết nối các tỉnh Tây Nguyên với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và các trung tâm kinh tế, xã hội, công nghiệp dọc Quốc lộ 20.
Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có vận tốc thiết kế 80 km/giờ, chiều dài khoảng 66km (11km đi qua địa phận huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai; 55km thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng), tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ 17.200 tỷ đồng; trong đó, vốn nhà nước tham gia dự án 6.500 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 2.000 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Lâm Đồng 4.500 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu nhà đầu tư 1.605 tỷ đồng và 9.095 tỷ đồng từ các nguồn huy động khác.
Điểm đầu Dự án tại Km 60+100 (trùng với điểm cuối của Dự án đường bộ cao tốc Dầu Giây - Tân Phú tại cầu vượt trực thông nút giao Quốc lộ 20) thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Điểm cuối Dự án tại Km126+360, giao với đường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Dự án được đầu tư theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 80 km/h. Bố trí chiều rộng nền đường với 4 làn xe ô tô. Các đoạn nền đường đào sâu đắp cao tùy theo địa hình, địa chất của từng đoạn nghiên cứu mở rộng mặt cắt ngang theo giai đoạn hoàn chỉnh với bề rộng theo nguyên tắc đảm bảo tính kinh tế, kỹ thuật của dự án.
Theo kế hoạch, tuyến đường hoàn thành đưa vào khai thác vào năm 2026. Tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 455 ha (trong đó tỉnh Đồng Nai khoảng 81 ha, tỉnh Lâm Đồng khoảng 374 ha). Tổng đầu tư của dự án ước tính 17.200 tỉ đồng, trong đó phần vốn nhà nước tham gia dự án là 6.500 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương 2.000 tỉ đồng; vốn ngân sách tỉnh Lâm Đồng 4.500 tỉ đồng. Phần vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư khoảng 1.605 tỉ đồng, còn lại là vốn vay (hơn 9.000 tỉ đồng).