Phe cánh tả thách thức ông Macron tại bầu cử Quốc hội Pháp

Chia sẻ Facebook
13/06/2022 00:21:37

Vòng đầu tiên của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp diễn ra trong bối cảnh phe cánh tả tìm cách ngăn cản kế hoạch cải tổ của Tổng thống Emmanuel Macron, người vừa tái đắc cử vài tuần trước.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đối mặt với thách thức từ cánh tả trong cuộc bầu cử Quốc hội - Ảnh: AFP

Ngày 12-6, gần 49 triệu cử tri Pháp đi bỏ phiếu vòng đầu tiên nhằm bầu ra 577 thành viên Quốc hội, theo Hãng tin AFP. Kết quả vòng bỏ phiếu thứ 2 dự kiến diễn ra một tuần sau đó, vào ngày 19-6, sẽ mang tính quyết định.

Tuy nhiên lần này, mối đe dọa không đến từ phe cực hữu của chính trị gia Marine Le Pen vốn bị ông Macron đánh bại trong cuộc bầu cử vào tháng 4-2022, mà đến từ cánh tả trỗi dậy từ sau cuộc bầu cử.

Lực lượng mới trỗi dậy này dưới sự dẫn dắt của chính trị gia Jean-Luc Mélenchon đang đe dọa thế đa số trong Quốc hội hiện thuộc về liên minh của ông Macron.

Ông Mélenchon về thứ 3 trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, bị loại sau vòng thứ nhất. Còn ông Macron và bà Le Pen cạnh tranh vòng thứ hai, dù nhận tới 22% ủng hộ. Chính trị gia này không thừa nhận thất bại trước ông Macron, thay vào đó, ông tuyên bố cuộc bầu cử Quốc hội sẽ là vòng bỏ phiếu thứ 3.

"Hãy bầu tôi làm thủ tướng" - ông Mélenchon kêu gọi.

Trong kịch bản ông Macron giữ được thế đa số trong Quốc hội, ông sẽ tiếp tục thực hiện những cải tổ mà ông hứa hẹn trong cuộc bầu cử vừa qua. Nhưng nếu thất bại, ông sẽ buộc phải bổ nhiệm một thủ tướng và một số thành viên chính phủ từ phía cánh tả. Ông Macron đến nay vẫn giữ bí mật về kế hoạch cho chính phủ mới.

Bầu cử Quốc hội Pháp thường được coi như sự xác nhận đối với cuộc bầu cử tổng thống.

Với thách thức từ cánh tả và các bê bối gần đây của một số thành viên nội các, nhiệm kỳ mới của Tổng thống Macron đang khởi đầu không mấy suôn sẻ.

Giới phân tích đến nay cho rằng khả năng chiến thắng của phe cánh tả là thấp nhưng không phải là không thể.

Kỳ bầu cử tổng thống Pháp năm 2022 đã khép lại trong sự nhẹ nhõm của Liên minh châu Âu (EU) vì ít nhất sẽ không có nhiều thay đổi trong đường lối của quốc gia 68 triệu dân này trong 5 năm tới. Nhưng với nhiều người Pháp lại khác.

Chia sẻ Facebook