Phát triển thị trường trái phiếu bền vững
Trái phiếu DN không phải tiền gửi tiết kiệm mà là một khoản đầu tư. Các nhà đầu tư cần nâng cao tính chuyên nghiệp cho kênh dẫn vốn quan trọng này của nền kinh tế.
Niềm tin của nhà đầu tư vào kênh trái phiếu doanh nghiệp
Nếu bạn được các cán bộ ngân hàng mời mua trái phiếu doanh nghiệp tại ngân hàng với lý do lãi suất cao hơn tiền gửi tiết kiệm thì cần nắm rõ đây không phải tiền gửi tiết kiệm, mà vẫn là một khoản đầu tư có rủi ro nếu doanh nghiệp phát hành trái phiếu đó mất khả năng thanh toán.
Còn nếu khách hàng được mời mua trái phiếu doanh nghiệp bởi các nhân viên của công ty chứng khoán thì công ty chứng khoán cũng chỉ là trung gian phân phối. Trách nhiệm trả lãi và gốc là của doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Còn về việc bán, mới đây, có vài trường hợp phát hành trái phiếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh hay công ty cổ phần đầu tư Tập đoàn An Đông, cùng với những tin đồn thất thiệt khiến nhiều nhà đầu tư lại tìm cách bán trái phiếu doanh nghiệp đã mua mà không tìm hiểu kỹ sức khỏe tài chính của doanh nghiệp phát hành. Họ bán bằng mọi giá bất kể đó là trái phiếu của doanh nghiệp tốt và hoạt động bình thường.
Việc mua - bán chỉ quan tâm đến lợi nhuận thiếu thông tin ra quyết định vội vàng sẽ khiến nhà đầu tư thiệt đơn, thiệt kép. Nhưng nếu dành thời gian tìm hiểu kỹ hơn về sản phẩm và hiểu doanh nghiệp thì sẽ an tâm hơn.
Chị Thùy Linh - quận Ba Đình, Hà Nội cho hay: "Không nên vì những vụ việc như thế mà quay lưng vào đầu tư trái phiếu, mà nên tìm hiểu kĩ hơn để đưa ra quyết định tốt hơn".
"Khi tìm hiểu về một trái phiếu tôi sẽ tìm hiểu xem trái phiếu đó có tài sản đảm bảo không, những đợt phát hành trước họ có thanh toán đầy đủ hay không, tín nhiệm của họ như thế nào, danh tiếng ra sao, bên nào phát hành thay họ", anh Hạo - quận Ba Đình, Hà Nội nói.
Giải pháp giảm áp lực đáo hạn trái phiếu ở Mỹ
Khách hàng sẽ rút lãi và gốc khi đến hạn thanh toán, do đó sẽ là điều đáng tiếc cho thị trường và tổn thất cho chính nhà đầu tư nếu tìm cách bán lại trái phiếu bằng mọi giá. Bởi thực tế, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu kể cả trong ngành bất động sản có tỷ lệ đòn bẩy nợ rất thấp, chất lượng tốt, có dòng tiền trả nợ theo cam kết. Nhiều doanh nghiệp thậm chí đã chủ động mua lại trái phiếu trước hạn để đảm bảo các khả năng thanh toán với nhà đầu tư.
Minh chứng là từ đầu năm đến nay, đã có đến 142.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn. Điều này giúp cho áp lực đáo hạn trái phiếu phát hành riêng lẻ của năm nay đã giảm hơn 9% và hoạt động mua lại trước hạn cũng là giải pháp của nhiều nước trên thế giới.
Ở Mỹ thì thanh toán đáo hạn đã nằm trong các điều khoản khi phát hành trái phiếu về ngày, mức giá trị nhận lại của trái chủ. Nhưng cũng có những trường hợp là nhà đầu tư (trái chủ) muốn bán trái phiếu trước khi nó đáo hạn. Khi đó họ tự chịu trách nhiệm về việc có thể thu được giá trị cao hơn, hoặc thấp hơn tuỳ thuộc vào lãi suất lúc bán so với lúc mua.
Và việc mua - bán sẽ phải qua bên môi giới, rồi mất tiền hoa hồng, thường sẽ là một mức phần trăm nào đó tuỳ bên môi giới đưa ra. Còn trường hợp giãn kỳ hạn thanh toán thường dành cho Extendable bonds (tạm dịch là trái phiếu gia hạn). Loại trái phiếu này cho phép trái chủ hoặc bên phát hành gia hạn thời gian đáo hạn ban đầu đến ngày nào sau đó. Vì đặc điểm này mà trái phiếu gia hạn thường có giá bán cao hơn, với lãi suất thấp hơn so với trái phiếu không thể gia hạn.
Nâng cao năng lực nhà đầu tư giao dịch trái phiếu
Theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường Statista, hiện quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Mỹ chiếm đến hơn 97% GDP của Mỹ. Tỷ lệ này tại Hàn Quốc hơn 86% Singapore hơn 35%, Trung Quốc gần 37%.
Còn tại Việt Nam, theo số liệu từ Bộ Tài chính thì hiện đang chiếm tỷ trọng 15% GDP. Vì vậy, để đạt mục tiêu tăng lên 20% GDP vào năm 2025 thì việc Chính phủ ban hành Nghị định 65 và các giải pháp nâng cao tính chuyên nghiệp trong đầu tư trái phiếu doanh nghiệp là những bước đi cần thiết.
Để tránh việc nhà đầu tư thiếu thông tin nhầm lẫn, đánh đồng đầu tư trái phiếu với gửi tiết kiệm ngân hàng, theo quy định hiện hành, khi mua bán trái phiếu riêng lẻ, nhà đầu tư phải phải ký văn bản xác nhận đã hiểu và chấp nhận rủi ro đầu tư. Điều này cũng hạn chế tình trạng các tổ chức mập mờ khi chào bán trái phiếu với gửi tiết kiệm.
Nghị định 65 đã nâng giá trị tối thiểu của một giao dịch mua trái phiếu từ 100 nghìn đồng trước đây lên tới 100 triệu đồng. Nhà đầu tư muốn tham gia phải được xác nhận đảm bảo có 2 tỷ đồng danh mục đầu tư trong 180 ngày gần nhất.
Thời gian qua khi lãi suất ngân hàng thấp, lợi nhuận trái phiếu cao thì nhiều người bất chấp đầu tư trái phiếu mà chưa tìm hiểu kỹ thông tin. Còn hiện nay trước một số vụ việc cá biệt, nhiều nhà đầu tư lại nóng lòng rút khỏi thị trường này bất kể tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đó như thế nào. Mọi sự vội vã đều gây thiệt hại cho chính nhà đầu tư và xáo trộn thị trường.
Nghị định 65 đã yêu cầu một số trường hợp phát hành riêng lẻ có quy mô lớn phải định hạng tín nhiệm. Đây là bước tiến quan trọng giúp trái chủ có bức tranh đầy đủ về cơ hội và rủi ro.
Ngoài ra, cần tiếp tục đơn giản hoá thủ tục, rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp được phát hành trái phiếu ra công chúng, nhằm chuyển trên 90% lượng trái phiếu riêng lẻ sang trái phiếu phát hành ra công chúng theo các tiêu chuẩn mới cao hơn, an toàn hơn.
Nghị định 65 được kỳ vọng giúp xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa đảm bảo tính thị trường, vừa tăng cường sự minh bạch và giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.