Phát triển thị trường chứng khoán: Việt Nam phấn đấu lọt Top 4 Asean

Chia sẻ Facebook
23/03/2023 09:53:14

Với thị trường, mục tiêu sẽ hướng tới phát triển bền vững, nâng cao chất lượng quản trị công ty niêm yết và áp dụng tiêu chuẩn ESG (quản trị môi trường, xã hội và doanh nghiệp), hoàn thành phân định thị trường trên các sở giao dịch trong năm 2025. Đặc biệt là mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi, từ đó hội nhập thị trường tài chính, chứng khoán thế giới và hướng tới trình độ phát triển của 4 nước dẫn đầu khu vực Asean vào năm 2025.

Phát triển thị trường chứng khoán: Việt Nam phấn đấu lọt Top 4 Asean

Việt Nam đặt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi, từ đó hội nhập thị trường tài chính, chứng khoán thế giới và hướng tới trình độ phát triển của 4 nước dẫn đầu Asean.

Việt Nam tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý đáp ứng yêu cầu của thị trường chứng khoán. (Ảnh: Vietnam+)

Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đặt mục tiêu tăng quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu, tăng dư nợ thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh tăng trưởng trung bình 20%-30% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2030.

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo “Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam 2021-2030, những thách thức và tầm nhìn,” do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức, ngày 21/3.

Nâng hạng thị trường chứng khoán

Tại sự kiện, ông Vũ Chí Dũng (Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Ủy ban Chứng hkoán Nhà nước) đã chỉ ra các mục tiêu cụ thể trong giai đoạn tới như chú trọng phát triển về số lượng nhà đầu tư cá nhân, tổ chức, chuyên nghiệp và nước ngoài đồng thời tăng tỷ trọng trái phiếu Chính phủ do nhà đầu tư là tổ chức phi ngân hàng nắm giữ.

Tuy nhiên để đạt được mục tiêu chiến lược đặt ra, ông Dũng chỉ ra một số thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn. Cụ thể, các cấu phần thị trường tài chính Việt Nam vẫn chưa có sự liên kết chặt chẽ. Trong khi, các kết nối xuyên biên giới đang tạo áp lực trong đổi mới và công tác quản lý, giám sát thị trường.

“Mặt khác, quy mô trường ngày càng tăng cùng với đó là mức độ phức tạp và áp lực cạnh tranh với các sở giao dịch chứng khoán trong khu vực và thế giới,” ông Dũng nói.

Hội thảo “Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam 2021-2030, những thách thức và tầm nhìn.” (Ảnh: Vietnam+)

Để triển khai hiệu quả chiến lược đã đặt ra, ông Dũng cho biết Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện một số giải pháp chính trong thời gian tới, trong đó tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý đáp ứng yêu cầu của thị trường đồng thời tăng cường năng lực quản lý, đa dạng hàng hóa nguồn cung có chất lượng, đa dạng hóa nhà đầu tư.

Để triển khai các giải pháp trên được thuận lợi, ông Dũng cho biết hệ thống cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin sẽ được nâng cao. Bên cạnh đó, hệ thống các tổ chức trung gian thị trường cũng sẽ được tăng cường cả về vai trò và năng lực nghề nghiệp.

Nâng cao ý thức bảo vệ nhà đầu tư

Chia sẻ về dự án Nâng cao năng lực về cải thiện tính công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam, ông Kazunobu Kojima, đại diện nhóm tư vấn của JICA, cho biết dựa trên đề nghị của Việt Nam, Chính phủ Nhật Bản đã cung cấp những hỗ trợ kỹ thuật về việc thực hiện dự án từ tháng 11/2018. Những hỗ trợ này nhằm nâng cao nhận thức, khuyến nghị chính sách và biện pháp đầu ra về các vấn đề như giao dịch không công bằng trên thị trường chứng khoán, hành vi vi phạm pháp luật của các công ty chứng khoán, yếu kém trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp niêm yết và ý thức bảo vệ nhà đầu tư của các lãnh đạo doanh nghiệp chưa cao.

Để tăng cường năng lực giám sát thị trường cổ phiếu liên quan đến các giao dịch không công bằng, ông Kazunobu giới thiệu biện pháp dựa trên kiểm chứng hệ thống công bố thông tin và phòng ngừa. Các cấp quản lý có thể vận dụng tổ chức tự quản, như xây dựng khung giám sát thị trường thông qua hợp tác giữa cơ quan chức năng, sở giao dịch và công ty chứng khoán, nâng cao chất lượng doanh nghiệp niêm yết (thông qua giới thiệu thẩm định niêm yết định tính).

Về quản lý và giám sát công ty chứng khoán, ông Kazunobu khuyến nghị vận dụng tổ chức tự quản, từ đó tăng cường kiểm soát nội bộ với các công ty chứng khoán và quản lý tài khoán khách hàng để thúc đẩy việc bảo vệ nhà đầu tư. Biện pháp này cũng giúp nâng cao tính tuân thủ của nhân viên kinh doanh chứng khoán và phòng ngừa các giao dịch không công bằng.

“Việt Nam cần phát triển các nhà đầu tư tổ chức trong nước và thúc đẩy quá trình hình thành tài sản dài hạn của công dân Việt Nam cũng tích lũy tài sản quốc gia. Mặt khác, các cấp quản lý cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và nâng cao năng lực thực thi hệ thống chào bán cổ phiếu ra công chúng và niêm yết cũng như nâng cao ý thức bảo vệ nhà đầu tư của ban lãnh đảo (như quản trị doanh nghiệp, công bố thông tin...),” vị đại diện này nói.

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn, sự hỗ trợ từ JICA đã giúp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cơ bản đạt được các mục tiêu đầu ra tương ứng với các cấu phần của Dự án. Nối những thành công đã đạt được đó, Việt Nam đã bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển mới của thị trường chứng khoán, hướng tới các mục tiêu tiếp theo trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021-2030.

Hiện, JICA đang hỗ trợ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chuẩn bị bước vào dự án tiếp theo về: "Nâng cao năng lực về thúc đẩy hiệu quả thị trường chứng khoán Việt Nam," dự kiến bắt đầu từ tháng 4/2024. Đây sẽ là sự hỗ trợ quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển bền vững thị trường chứng khoán Việt./.

Hạnh Nguyễn


Vietanm+

Chia sẻ Facebook