Phát triển ngành công nghiệp điện tử cần tạo bước đột phá
Các nhà sản xuất điện tử hàng đầu thế giới đang mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Việt Nam đang có cơ hội trở thành trung tâm sản xuất điện tử của thế giới.
Mục tiêu chiến lược của Việt Nam là xây dựng ngành điện tử trở thành ngành công nghiệp chủ lực và tạo cơ sở hỗ trợ cho các ngành khác phát triển. Nhưng giữa cơ hội và mục tiêu là không ít thách thức của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam.
Trong khoảng một năm nay, Việt Nam đón nhận một loạt các nhà đầu tư lớn có tên tuổi và các nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao. Cụ thể, Trung tâm nghiên cứu và phát triển 220 triệu USD của Samsung dự kiến hoàn thiện cuối năm nay; Apple sẽ sản xuất máy tính và đồng hồ thông minh tại Việt Nam; Nhà máy trung hoà carbon 1 tỷ USD của LEGO; Boeing mới bày tỏ ý định phát triển các nhà cung ứng tại Việt Nam… Đây là những minh chứng rõ nét khẳng định xu hướng dòng vốn FDI chất lượng cao trong đó là ngành điện tử vào Việt Nam.
Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ mới đây đã đưa ra nhận định Việt Nam đang trở thành cường quốc kỹ thuật số mới ở Đông Nam Á. Theo CSIS, các chính sách của Việt Nam đang định vị để đưa quốc gia này trở thành một trung tâm khu vực về sản xuất công nghệ và chất bán dẫn. Nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao được tăng vốn với quy mô lớn trong 8 tháng đầu năm.
Chẳng hạn, dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) tăng 920 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE tăng trên 841 triệu USD; Dự án nhà máy chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện (tại Bắc Ninh, Nghệ An và Hải Phòng) tăng lần lượt gần 306 triệu USD, 260 triệu USD và 127 triệu USD.
76% các nhà đầu tư và kinh doanh Châu Âu tại Việt Nam kỳ vọng rằng sẽ tăng vốn FDI vào Việt Nam trước khi kết thúc quý III. Đây là kết quả một cuộc khảo sát mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).
Đặc biệt, nhiều tập đoàn đa quốc gia đã lựa chọn Việt Nam không chỉ là điểm đến cho đầu tư nước ngoài mà còn là nước sản xuất linh kiện cho chuỗi cung ứng toàn cầu của họ. Cũng theo nhiều trang báo quốc tế, ổn định chính trị, lao động đủ khả năng, môi trường đầu tư thuận lợi, sự nhất quán trong chính sách phục hồi kinh tế và nỗ lực thúc đẩy tự do hóa thương mại giúp Việt Nam ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cơ hội tham gia chuỗi sản xuất chip bán dẫn toàn cầu
Nikkei Asia có bài: "Tập đoàn chip khổng lồ Synopsys của Mỹ mở rộng hoạt động tại Việt Nam". Synopsys đang chuyển đầu tư và đào tạo kỹ sư sang Việt Nam để tái cân bằng hoạt động trong bối cảnh cuộc chạy đua công nghệ Trung- Mỹ đang diễn ra gay gắt.
Trang Digitimes Asia cũng cập nhật Synopsys thông báo sẽ đào tạo kỹ sư ngành thiết kế vi mạch tại VN và hỗ trợ khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) thành lập trung tâm thiết kế chip thông qua chương trình tài trợ phần mềm. Sự hợp tác này nhằm mục đích đào tạo các kĩ sư thiết kế vi mạch tiên tiến và tạo điều kiện phát triển ngành sản xuất chất bán dẫn ở Việt Nam.
Trước đó, một loạt các trang báo đã đưa tin Samsung sản xuất bán dẫn ở Việt Nam từ năm 2023. Gã khổng lồ bán dẫn Hàn Quốc hiện đang thử nghiệm các sản phẩm lưới bóng (ball grid array) và dự định sản xuất hàng loạt tại nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam ở tỉnh Thái Nguyên.
Bloomberg có bài bình luận về xu thế này: Các quốc gia như Việt Nam và Indonesia đều đang cố gắng thể hiện mình là lựa chọn thay thế. Đối với việc sản xuất thiết bị điện tử, Việt Nam được cho là một lựa chọn khả thi.
Ông Philipp Rosler, Nguyên Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới, nhận định: "Đây là một tin rất tốt cho Việt Nam. Dù kết quả có thế nào thì tôi nghĩ rằng việc Việt Nam xuất hiện trong các phương án cân nhắc của các ông lớn công nghệ đã thực sự là một điều tuyệt vời. Và nên nhớ, nếu họ vào, thì xuất khẩu từ khối FDI sẽ được đẩy cao hơn nữa, không chỉ dừng lại ở con số ấn tượng hiện tại. Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh bất ổn địa chính trị hiện tại, các tập đoàn đa quốc gia thực sự cần đa dạng hoá chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc. Có nghĩa là họ đang nhìn về ASEAN. Khi nói về ASEAN, Việt Nam nổi lên là một nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất".
Ông Jimmy Goodrich, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn của Mỹ (SIA), nói: "Việt Nam có lợi thế về thị trường nhân công hơn hẳn Singapore và Malaysia. Tuy nhiên, một số nước khác cũng lợi thế về nguồn nhân lực tương tự như Philippines, Ấn Độ và Thái Lan, họ cũng rất quan tâm đến sản xuất chất bán dẫn, thậm chí Chính phủ còn đang nỗ lực để ban hành chính sách riêng về ngành bán dẫn. Tuy nhiên, Việt Nam có một lợi thế rất lớn khác đó là đất nước này đã có sự hiện diện của Intel và giờ đây là thông báo mới từ Samsung về việc sẽ tổ chức bộ máy sản xuất ngành này tại đây và đó là điều mà Ấn Độ không có. Họ chưa có bất kỳ khoản đầu tư nào trong lĩnh vực này cả nên họ sẽ cần phải thuyết phục các nhà đầu tư mới một công ty sản xuất chất bán dẫn nào cả. Bởi vậy, họ cần thuyết phục các nhà đầu tư mới. Còn Việt Nam đã được chứng minh là một môi trường kinh doanh lành mạnh và an toàn cho các nhà đầu tư lĩnh vực linh kiện bán dẫn".
Rõ ràng là cuộc đua bán dẫn toàn cầu đang nóng lên, và xu thế chuyển dịch chuỗi giá trị đang diễn ra ngày một nhanh hơn khi Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách "zero COVID".
Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện đang chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp, chủ yếu sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và linh kiện. Mặc dù được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn và đạt được một số thành tựu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đóng vai trò lớn trong xuất khẩu, nhưng thực tế, ngành điện tử Việt Nam vẫn đang dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử và phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Doanh nghiệp đổi mới công nghệ dể tham gia chuỗi toàn cầu
Nhìn vào giai đoạn 2016 - 2020, ngành điện tử Việt Nam phát triển linh kiện điện - điện tử cơ bản, các loại bản mạch in điện tử, mạch vi điện tử cho điện thoại di động, thiết bị điện tử gia dụng, máy vi tính, linh kiện, phụ tùng cho công nghiệp ôtô.
Trong giai đoạn năm 2020 - 2025 ưu tiên phát triển các sản phẩm trong lĩnh vực như thiết bị tự động hóa, máy tính, điện thoại. Sau năm 2025, ưu tiên phát triển phần mềm, nội dung số, dịch vụ công nghệ thông tin và điện tử y tế...
Từng bước phát triển đã được vạch ra nhưng để thực hiện trên thực tế thì đang cần nhiều nỗ lực từ cả phía doanh nghiệp và các chính sách định hướng.
Các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp điện tử đều nhìn nhận đổi mới công nghệ là cách để họ có thể tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu và trước hết là để tồn tại và phát triển trong bối cảnh thay đổi rất nhanh chóng của nền kinh tế
Việt Nam nằm trong số các quốc gia xuất khẩu điện tử lớn thứ 12 thế giới và thứ 3 trong khối ASEAN vào năm 2020, nhưng có đến khoảng 95% giá trị thuộc khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Chính vì vậy, phát triển ngành công nghiệp điện tử cần tạo bước đột phá để phát triển. Công nghiệp điện tử là ngành sản xuất, có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác. Chính vì vậy, dù có nhìn con số tổng thể về tăng trưởng xuất khẩu hay tăng trưởng của ngành điện tử nói chung cũng chưa hẳn cho thấy chúng ta có một ngành công nghiệp điện tử bền vững và phát triển bởi có xây gì thì cũng phải từ nền tảng của doanh nghiệp điện tử Việt bền vững và phát triển.
Chương trình Sự kiện và Bình luận phát sóng ngày 10/9 với sự tham gia của các khách mời: bà Đỗ Thị Thuý Hương, Uỷ viên thường trực Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam; ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham); ông Ngô Hữu Tiệp - Tổng Giám đốc Giza E&C sẽ trao đổi cụ thể về vấn đề này. Mời quý vị và các bạn theo dõi!