Phát triển năng lượng tái tạo là xu thế không thể thay đổi

Chia sẻ Facebook
22/09/2022 13:34:06

Ngành điện Việt Nam là một trong những ngành then chốt, hấp dẫn nhà đầu tư do tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhu cầu sử dụng điện năng tại Việt Nam ngày một tăng cao và được kỳ vọng tiếp tục phát triển trong tương lai. Tiềm năng thủy điện không còn nhiều và nhiệt điện than gây ô nhiễm môi trường nên việc đẩy mạnh năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu.

Phát triển năng lượng tái tạo là xu thế không thể thay đổi

Nhu cầu sử dụng điện tăng trưởng nhanh

Tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa của Việt Nam ở mức cao khiến nhu cầu sử dụng điện liên tục tăng trong những năm qua. Theo ước tính của Bộ Công Thương, dự kiến điện thương phẩm toàn quốc năm 2022 sẽ đạt 242.34 tỷ kWh, tăng 7.5% so với năm 2021.

Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR - Compounded Annual Growth Rate) của sản lượng điện toàn hệ thống trong giai đoạn 2010-2021 lên đến 9.41%. Theo Quyết định số 3063/QĐ-BCT ngày 31/12/2021 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện Quốc gia năm 2022, tổng sản lượng điện năm 2022 sẽ đạt 275.8 tỷ kWh, tăng 7.32% so với năm 2021.


Nguồn: Tập đoàn Điện lực Việt Nam ( EVN )

Tiềm năng thủy điện không còn nhiều

Theo Quy hoạch Điện VIII, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, cơ cấu công suất có sự thay đổi dần theo hướng giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than (gây ô nhiễm môi trường), tăng dần tỷ trọng nguồn nhiệt điện khí và năng lượng tái tạo.

Tỷ trọng thủy điện cũng sẽ giảm dần vì các dự án thủy điện lớn ở nước ta cơ bản đã khai thác và đưa vào vận hành. Khả năng khai thác các công trình thủy điện còn lại hầu hết là những dự án có công suất nhỏ và đang trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng hoặc đang xây dựng.


Nguồn: Tập đoàn Điện lực Việt Nam ( EVN ) và Dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Đẩy mạnh nhiệt điện khí gặp khó do nguồn cung LNG

Theo Quy hoạch Điện VIII, cơ cấu công suất có sự thay đổi theo hướng tăng dần tỷ trọng nguồn nhiệt điện khí và năng lượng tái tạo. Điện năng sản xuất từ nguồn nhiệt điện khí sẽ chiếm tỷ trọng 20.87% vào năm 2030 và tăng lên 25.77% vào năm 2045.

Tuy nhiên, nguồn cung từ khí LNG chủ yếu là nhập khẩu và có thể sẽ gặp phải những khó khăn tương tự việc phát triển nguồn nhiệt điện than trong giai đoạn vừa qua. Giá nhiên liệu LNG nhập khẩu luôn là yếu tố bất định, có nhiều biến động trong thời gian qua cũng như giai đoạn sắp tới, dẫn đến những vấn đề về giá, cơ chế giá, hình thức đầu tư… là các rủi ro có thể dẫn đến việc phát triển các nguồn điện sử dụng nhiên liệu LNG không cao.


Nguồn: Tập đoàn Điện lực Việt Nam ( EVN ) và Dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu

Với kinh tế phát triển, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng và dân số tăng cao dẫn đến nhu cầu năng lượng gia tăng nhanh. Trong khi đó, các nguồn năng lượng hóa thạch đang cạn dần theo thời gian. Giải pháp phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng đang được nhiều nước trên thế giới quan tâm thực hiện, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó, cam kết mức phát thải ròng về 0 năm 2050 (Net Zero by 2050) tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26) sẽ thúc đẩy đầu tư mạnh tay vào nhiệt điện khí và năng lượng tái tạo đặc biệt là điện gió ngoài khơi.


Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sự phát triển bùng nổ của công nghệ năng lượng sạch sẽ được mở rộng trong tương lai, quy mô của thị trường này sẽ đạt giá trị lên đến 27 nghìn tỷ USD đến năm 2050.

Ước tính quy mô thị trường công nghệ năng lượng sạch theo công nghệ và khu vực giai đoạn 2020-2050. Đvt: Tỷ USD

Nguồn: Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA)


Chú thích:


Stated Policies Scenario (STEPS): Chính sách quốc gia - Là kịch bản có thể xảy ra mà Cơ quan Năng lượng Quốc tế xem xét có tính đến chính sách khí hậu thực tế.


Net Zero Emissions (NZE): Phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 - Kế hoạch nhằm đạt mục tiêu "net zero" về khí thải nhà kính trước năm 2050.

Trong những năm gần đây, với các chính sách khuyến khích của Chính phủ, nguồn năng lượng tái tạo đã có sự phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.

Theo thống kê từ Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công thương, tính đến hết năm 2021, tổng công suất lắp đặt các nguồn điện gió, điện mặt trời đạt 20,670 MW, chiếm gần 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Sản lượng điện từ nguồn điện này đã đạt 31.5 tỷ kWh, chiếm 12.3% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.


Trong 8 tháng đầu năm 2022, con số này đã tăng lên khoảng 13.7% sản lượng điện hệ thống, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam ( EVN ). Cụ thể, năng lượng tái tạo đạt 24.95 tỷ kWh, trong đó điện mặt trời đạt 18.82 tỷ kWh, điện gió đạt 5.84 tỷ kWh.

Quy hoạch điện VIII cũng đề cao vai trò của năng lượng tái tạo với 26.82%% công suất năm 2030 và 43.07% năm 2045 khi các nguồn khác còn ít tiềm năng khai thác.


Với những xu hướng như trên thì chúng ta có thể xem xét đầu tư dài hạn vào CTCP Tập đoàn Bamboo Capital ( HOSE : BCG ), CTCP Điện Gia Lai ( HOSE : GEG )… khi thị trường có điều chỉnh. Đây đều là những doanh nghiệp đang có rất nhiều dự án đầy tiềm năng trong tương lai.

Các doanh nghiệp niêm yết có nhiều dự án năng lượng tái tạo

VietstockFinance

Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock

Chia sẻ Facebook