Phát triển kinh tế xanh: Cơ hội thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi sau đại dịch
Phát triển kinh tế xanh, hướng tới việc giảm các tác động tiêu cực của hoạt động kinh tế tới môi trường và xã hội là vấn đề được nhiều doanh nghiệp và chuyên gia quan tâm.
Ngày 18/9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022.
Bên cạnh các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững thị trường lao động, tại diễn đàn, các chuyên gia trong và ngoài nước cho biết phát triển kinh tế xanh là một xu hướng quốc tế tất yếu tạo ra những cơ hội nhất định cho Việt Nam để thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi sau đại dịch COVID-19 và giúp quốc gia vượt ra khỏi bẫy thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều thách thức trong quá trình triển khai.
Phát triển kinh tế xanh cần chuyển đổi từng bước, vì vậy, cần phải tái cơ cấu kinh tế để đưa ra lộ trình, định hướng một cách rõ ràng, trước mắt có thể tính đến việc phát hành cổ phiếu xanh và hạ tầng xanh.
"Doanh nghiệp có thể nghĩ đến việc phát hành trái phiếu, cổ phiếu xanh. Tài chính bền vững trên thế giới những năm vừa qua tăng trưởng gấp đôi so với những năm trước. Trong khi mức tăng trưởng của Việt Nam ở mức thấp", ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho biết.
"Tạo ra một hạ tầng xanh để chuẩn bị sẵn sàng cho doanh nghiệp và đầu tư, bởi đây là điều kiện bắt buộc của các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư thế hệ mới và chất lượng cao như nhà đầu tư châu Âu. Hạ tầng xanh là một yêu cầu bắt buộc. Hạ tầng xanh ở đây là cả về lĩnh vực năng lượng, về cơ sở hạ tần xanh, logistics, cảng biển", ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EUROCHAM), cho hay.
"Nhân lực cũng cần phải có tư duy về kinh tế xanh, họ phải được đào tạo để có thể chuyển đổi theo hướng sản xuất bền vững, một lĩnh vực khá xa lạ với họ trước đây. Nhưng phát triển kinh tế xanh là xu hướng", ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, nhận định.
Kết luận Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao các ý kiến giải pháp để phục hồi kinh tế, đặc biệt là các giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế như kinh tế xanh, hướng tới phát triển bền vững.
"Chuyển đổi năng lượng liên quan đến vấn đề chuyển đổi năng lượng công bằng, vấn đề chi phí và lợi ích trong quá trình chuyển đổi này. Lộ trình tổ chức thực hiện như thế nào, cơ hội rất lớn và thách thức cũng không nhỏ. Không bao giờ quên mục tiêu dài hạn, đó là vấn đề tái cơ cấu lại nền kinh tế. Các lĩnh vực chúng ta vẫn theo mục tiêu dài hạn này, bám vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Phát triển kinh tế xanh cũng giúp nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiếp cận được các thị trường đòi hỏi yêu cầu tiêu chuẩn xanh cao như EU, từ đó nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam, ổn định và tăng trưởng đều đặn 2 con số.
Việt Nam đã để lại những dấu ấn đậm nét về phát triển kinh tế xanh thông qua những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu COP 26.