Phát triển kinh tế tập thể - Xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Trong hơn 10 năm trở lại đây, kinh tế tập thể đã phát triển đa dạng hơn nhưng vẫn chưa tương xứng với yêu cầu.
Hợp tác xã là nòng cốt của kinh tế tập thể . Kinh tế tập thể là "thành phần kinh tế quan trọng" của nền kinh tế quốc dân.
Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành TƯ Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới đặt ra yêu cầu: phát triển nhanh, mạnh mẽ hơn nữa khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến mở rộng đối với Dự thảo Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác, được đổi tên từ Luật Hợp tác xã hiện hành. Đây là một bước quan trọng để tạo cơ sở pháp lý phát triển kinh tế tập thể trong đó có các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã triển khai đúng với quan điểm mục tiêu và phương hướng phát triển mà Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả Kinh tế tập thể đề ra.
Tư tưởng phát triển hợp tác xã đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên lần đầu tiên từ năm 1925-1927 trong tác phẩm đường Cách Mệnh. Trong những năm 60 của thế kỷ trước Kinh tế tập thể ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Đến năm ngoái cả nước đã có hơn 27.400 hợp tác xã, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 1 triệu lao động.
Những năm gần đây, thu nhập bình quân của lao động trong hợp tác xã ngày càng tăng và thu hẹp khoảng cách so với lao động khu vực doanh nghiệp, từ mức gần 45 triệu đồng năm 2013 tăng lên gần 53 triệu đồng/người/năm, doanh thu bình quân từ mức 4,3 tỷ đồng/hợp tác xã đã tăng thêm khoảng 60%.
Hiệu quả kinh tế và xã hội của hợp tác xã
Trong một thời gian dài, mỗi khi nói tới kinh tế tập thể là người thường hay nghĩ tới cảnh gõ kẻng đi làm, gõ kẻng hết giờ đi về và đi làm cho đủ giờ còn quan trọng hơn là đi làm ra được bao nhiêu sản phẩm. Đó là cách nhìn bị chi phối bởi mô hình hợp tác xã trong thời kỳ bao cấp trước đây.
Tuy nhiên, nhận thức về hợp tác xã, về kinh tế tập thể đã có nhiều thay đổi song không phải là không có khó khăn.
Ông Hoàng Văn Thám, Chủ nhiệm Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội, nói: "Hợp tác xã như một doanh nghiệp và doanh nghiệp phải làm ăn có lợi nhuận, có doanh thu lớn phải có lợi nhuận cho không những thành viên mà còn cho lực lượng lao động của hợp tác xã ngày càng có cuộc sống no đủ, môi trường sạch sẽ hơn nhưng đầu tiên phải no đủ đã thì người ta mới đi theo tiếng gọi của kinh tế tập thể".
Thống kê trên cả nước cho thấy, tỷ lệ đóng góp của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vào GDP của cả nước đã giảm tới hơn một nửa sau 20 năm vừa qua.
Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành TƯ Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả Kinh tế tập thể trong giai đoạn mới nêu rõ: cần khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Xây dựng chương trình tổng thể về phát triển kinh tế tập thể trên phạm vi toàn quốc với một số chính sách cụ thể về phát triển nguồn nhân lực; đất đai; tài chính; tín dụng; khoa học - công nghệ; hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; và chính sách bảo hiểm xã hội. Việc Nghị quyết 20 nêu rõ các nội dung cần thực hiện là rất quan trọng bởi đến nay, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho kinh tế tập thể tuy nhiều nhưng dàn trải, phân tán, chủ yếu là lồng ghép, thiếu nguồn lực hoặc không khả thi.
Nghị quyết số 20 đã nhìn nhận: "Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".
Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có khoảng 140 nghìn tổ hợp tác có quy mô 2 triệu thành viên. Bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả. Mục tiêu cao nhất là mang lại lợi ích kinh tế và phúc lợi xã hội ngày càng cao cho mọi người dân tham gia kinh tể tập thể.
Với quan điểm này, trong quá trình thể chế hóa nghị quyết thành chính sách và pháp luật, phải giải quyết được những khó khăn, tồn tại trong hoạt động của hợp tác xã hiện nay, để thực sự tạo niềm tin và khơi dậy mong muốn tham gia vào kinh tế tập thể trong mỗi người dân.
Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 15/8 với khách mời là ông Hoàng Trọng Thủy, Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn mới, sẽ trao đổi cụ thể hơn về vấn đề này. Mời quý vị và các bạn theo dõi!