Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp linh hoạt sau đại dịch
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang không ngừng nỗ lực, linh hoạt trong tổ chức chương trình đào tạo để phù hợp với thực tế.
Hơn 2 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, công tác đào tạo tại các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp gặp không ít khó khăn. Dễ hiểu khi trong chương trình đào tạo nghề, trước nay, phần thực hành chiếm phần đa thời gian dạy và học. Thời gian này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang không ngừng nỗ lực, linh hoạt trong tổ chức chương trình đào tạo nhằm giúp học viên có cơ hội được học đầy đủ cả lý thuyết và thực hành, đảm bảo chất lượng đầu ra.
Dù mới học năm thứ hai ngành cắt gọt kim loại, các bạn sinh viên Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ đã có thể thực hiện thành thạo nhiều thao tác máy từ cơ bản đến nâng cao.
"Năm ngoái ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên thời gian thực hành bị ảnh hưởng, sau khi được đi học trực tiếp, nhà trường cũng tăng cường thời gian học cho chúng em" - sinh viên Vũ Đình Tuân cho biết.
Giảng viên Dương Văn Cường cho biết thêm: "Nhà trường thường xuyên khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp về sử dụng lao động, kỹ năng tay nghề để điều chỉnh chương trình học. Đồng thời đầu tư máy móc thiết bị phù hợp với sự phát triển của nền công nghiệp".
Không chỉ chú trọng thực hành, tại trường Cao đẳng Y Dược Phú Thọ, với đội ngũ giảng viên có thế mạnh về nghiên cứu khoa học , sinh viên luôn được tạo điều kiện cùng tham gia.
Sinh viên Nguyễn Thị Ngân Hà chia sẻ: "Hàng tuần, chúng em được đến phòng thực hành, làm thí nghiệm về đề tài của mình. Các thầy cô cũng tạo điều kiện để chúng em được nghiên cứu toàn diện nhất, đủ các máy móc, công cụ hiện đại".
Nỗ lực điều chỉnh công tác đào tạo trong bối cảnh dịch bệnh, tại nhiều trường nghề, tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp lên tới hơn 95%.
"Qua 1 thời gian làm việc, mình thấy năng lực của các bạn rất tốt. Việc đào tạo đầy đủ năng lực, chuyên môn được đánh giá cao…" - bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Dược Bệnh viện Đa khoa Việt Đức, Phú Thọ cho biết.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mỗi năm, hệ thống giáo dục nghề nghiệp thu hút khoảng 28% tổng số học sinh tốt nghiệp THPT, gấp gần 3 lần so với giai đoạn trước 2015, thể hiện sức hút của hệ đào tạo được xem là con đường ngắn hơn đến với việc làm. Đây là cơ hội và cũng là thách thức, các trường nghề cần phải nắm bắt và thích ứng.