'Phát triển du lịch nông thôn là hướng phát triển du lịch bền vững'

Chia sẻ Facebook
28/04/2022 17:28:34

Hội thảo định hướng phát triển thị trường nhóm sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiều 28-4 đưa ra định hướng và thúc đẩy nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng.

Toàn cảnh buổi hội thảo - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT


Ông Ngô Trường Sơn - chánh văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương - cho biết sau 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm chỉ mới được triển khai hơn 1 năm, nhưng đã phủ khắp 63/63 tỉnh thành cả nước có 7.436 sản phẩm 3 và 4 sao, trong đó 67% 3 sao, 31%4 sao và 1,5% 5 sao và tiềm năng.

Sản phẩm du lịch cộng đồng phát triển mạnh mẽ tăng 300%, khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương. Trong đó Đồng bằng sông Cửu Long đứng thứ 2 cả nước về nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch (11%). Giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế nông thôn là một trong nhiều nhiệm vụ trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

"Trải qua hơn 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19, chúng ta hiểu hơn tầm quan trọng của du lịch đối với nền kinh tế. Phát triển du lịch nông thôn cũng là hướng phát triển du lịch bền vững trên thế giới hiện nay hướng tới các giá trị văn hóa độc đáo, sáng tạo, gần gũi, hài hòa với thiên nhiên", ông Sơn nói.

Tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang - phó giám đốc trung tâm phát triển nông thôn Saemaul Undong - cho rằng, đánh giá các sản phẩm du lịch nông thôn dựa  trên cơ sở xây dựng một điểm đến du lịch chất lượng, độc đáo, đa dạng và phát triển bền vững, đồng thời bảo tồn di tích và bản sắc văn hoá vùng miền nhằm đóng góp cho kinh tế xã hội của người dân bản địa gắn với phát triển nông thôn mới.

"Tôi đề xuất bộ tiêu chí có 3 phần: sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (35 điểm): bao gồm các yếu tố như tổ chức, điều phối, bảo vệ môi trường, cơ chế quy định, sức mạnh cộng đồng…; Khả năng tiếp thị (25 điểm) gồm: liên kết chuỗi giá trị quảng bá sản phẩm du lịch, liên kết chuỗi sản phẩm vùng, xây dựng bộ nhận dạng thương hiệu…; Chất lượng sản phẩm (40 điểm), gồm: vị trí, kiến trúc cảnh quang môi trường, bảo vệ, bảo tồn…", TS Trang trình bày.

'Nhiều lần đi qua cánh đồng thôn Vĩnh Nam, thấy cái lò gạch cũ bỏ hoang giữa đồng lúa, mình thấy thích. Thế là bàn với chồng mua lại cái lò gạch, ai cũng bảo mình điên' - chị Nga nhớ lại.

Chia sẻ Facebook