Phát triển du lịch nông thôn: Còn nhiều việc phải làm

Chia sẻ Facebook
25/05/2022 02:22:03

Con đường làm du lịch nông thôn vẫn mới mẻ và nhiều gập ghềnh khi các địa phương còn phổ biến tư duy mạnh ai nấy làm.


Du lịch nông nghiệp, nông thôn còn nhỏ lẻ, tự phát


Chặng đường hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới cả nước đã có 5.706 xã đạt chuẩn, chiếm gần 70% tổng số xã. Diện mạo nông thôn đã có những đổi thay rõ nét, từ kết quả này nhiều địa phương đã trở thành những điểm du lịch.


Cùng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, bản sắc văn hóa và tập quán canh tác lâu đời của 54 dân tộc. Hiện nay là thời điểm để Việt Nam thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, qua đó mang lại sinh kế cho người dân, tuy nhiên để du lịch nông thôn phát triển bài bản chuyên nghiệp, còn nhiều việc phải làm.

Hiện nay là thời điểm để Việt Nam thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, qua đó mang lại sinh kế cho người dân. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)


Tại Bắc Giang, vườn bưởi hữu cơ nhà ông Én là mô hình du lịch miệt vườn có tiếng nhất ở Lục Ngạn, nhưng vẫn chỉ dừng ở mức độ tự phát, nông dân tự mày mò làm. Gia đình ông cũng chưa được tham gia lớp tập huấn nào về làm du lịch.

"Kỹ năng giao tiếp của gia đình với khách hàng chưa được thuần thục, do đó nhờ phòng văn hóa thông tin huyện Lục Ngạn giúp đỡ, thường xuyên mở lớp tập huấn", ông Trần Đình Én, xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, nói.


Vườn hoa nằm giữa hồ Cấm Sơn và khu vực trồng vải trọng điểm của Lục Ngạn, ý tưởng của bà Vĩnh là tạo một điểm dừng chân cho du khách sau khi đi thu hoạch nông sản. Tuy nhiên đường vào lắt léo, gập ghềnh khiến không ít du khách bỏ cuộc.


"Nếu có thuyền đi từ mặt đập kia vào đây thì quá đẹp. Hoặc nếu địa phương cho phép mở rộng những lối mòn trước đây và đầu tư giúp tôi thì quá đẹp", bà Nguyễn Thị Vĩnh, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, chia sẻ.


Hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ đang làm khó du lịch nông thôn. Nhiều địa phương cũng thừa nhận quá trình xây dựng nông thôn mới đang tách biệt với con đường phát triển du lịch nông thôn nên ngay cả tại những xã đã đạt chuẩn nông thôn mới cũng chưa chắc đã thuận lợi cho du khách đến thăm.


"Các điểm phục vụ bến bãi để xe, cũng như khu lưu trú của du khách đến địa bàn huyện muốn ngủ lại qua đêm để trải nghiệm việc chăm sóc, thu hái các sản phẩm của huyện còn gặp nhiều khó khăn", ông Tăng Văn Huy, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, cho biết.


Một mô hình du lịch trải nghiệm bằng xe trâu tới các vườn cây ăn trái với hành trình 2 ngày 1 đêm khám phá các làng quê vừa được một công ty lữ hành thử nghiệm tại Lục Ngạn. Con đường làm du lịch nông thôn vẫn mới mẻ và nhiều gập ghềnh khi tại các địa phương còn phổ biến tư duy mạnh ai nấy làm.


Rõ ràng, khi chưa có chính sách tổng thể cho phát triển du lịch nông thôn ở cấp quốc gia sẽ dẫn đến chưa có quy hoạch hạ tầng, nhân lực và nhiều vấn đề khác.


Chiến lược mới cho du lịch nông nghiệp, nông thôn


Hiện cơ chế, chính sách quản lý đối với mô hình du lịch nông thôn và bảo đảm liên kết chuỗi gắn với các công ty lữ hành còn khá lỏng lẻo. Để tiềm năng du lịch nông nghiệp, nông thôn được đánh thức, cuối tháng 3 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 Tổng nguồn lực thực hiện Chương trình dự kiến khoảng 2.500 tỷ đồng.

Hiện cơ chế, chính sách quản lý đối với mô hình du lịch nông thôn và bảo đảm liên kết chuỗi gắn với các công ty lữ hành còn khá lỏng lẻo. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Nhân dân)


Mục tiêu đến năm 2025 mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương. Ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch, đặc biệt là sẽ có cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên toàn quốc.


"Ở các tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình du lịch nông thôn ở cộng đồng trong đó 36 sản phẩm được công nhận 3 sao về du lịch nông thôn. Từ lõi này, việc đẩy nội dung này gắn với hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy đào tạo", ông Trần Nhật Lam, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, nhận định.


Tiên phong làm du lịch nông nghiệp từ năm 2009, bà Oanh (Chủ Trang trại Đồng quê Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội) cho rằng để mô hình này hoạt động đúng bản chất, điều căn bản là phải bảo tồn được không gian của nông nghiệp, nông thôn.


"Ngành nông nghiệp phải chuẩn bị 80% để đưa ra tinh hoa cho ngành du lịch khai thác theo chuẩn du lịch nên chúng ta phải có bản quy hoạch về du lịch nông thôn", TS. Ngô Kiều Oanh, Chủ Trang trại Đồng quê Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội, nói.


Ngay lúc này, những nông dân ở Mộc Châu, Sơn La đang có thêm hứng khởi trước mục tiêu trở thành khu du lịch quốc gia.

Hơn 80% đất đai được quy hoạch cho nông nghiệp. Vừ Pát Ly (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, Sơn La) và nhiều bà con người Mông đã và đang hình thành thói quen sản xuất sạch, làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái để tạo môi trường hấp dẫn du khách


Du lịch nông nghiệp nông thôn sẽ chỉ được đánh thức khi mỗi người dân thấy yêu và tự hào với vẻ đẹp không gian nơi họ sống, sản phẩm họ làm ra và những giá trị văn hóa được bảo tồn.

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, cả nước hiện có 73 tuyến, với 365 điểm du lịch nông thôn.

Thực tiễn cho thấy, chương trình xây dựng nông thôn có vai trò nâng cấp, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, bảo đảm vệ sinh môi trường, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống…


Không những vậy, du lịch nông thôn góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới bền vững hơn thông qua việc nâng cao thu nhập, tạo sinh kế cho người dân, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc sản... Việc phát triển song song 2 chương trình này được kỳ vọng tạo nên sức bật mới cho đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn.

Các thị trường tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam có thể kể đến: Mỹ, Australia, Singapore, Pháp, Nhật Bản, Đức, Canada, Ấn Độ, Anh, Thái Lan…

Chia sẻ Facebook