Phạt tổng cộng 33 năm tù với 2 ông trùm trong đường dây xăng lậu 200 triệu lít
Sáng 8-12, TAND tỉnh Đồng Nai tiếp tục tuyên án sơ thẩm đối với 74 bị cáo trong vụ án buôn lậu gần 200 triệu lít xăng từ nước ngoài về Việt Nam.
Đây là ngày thứ 4 phiên toà công bố bản án sơ thẩm. Do vụ án có tính chất phức tạp, số lượng bị cáo và người liên quan đặc biệt nhiều nên HĐXX phải mất nhiều ngày để tuyên án.
Đúng 8 giờ sáng 8-10, TAND tỉnh Đồng Nai tuyên phạt Đào Ngọc Viễn 17 năm tù, phạt bổ sung 100 triệu đồng; Phan Thanh Hữu: 16 năm tù, buộc nộp bổ sung 100 triệu đồng. Đây là 2 bị cáo cầm đầu đường dây xăng lậu 200 triệu lít.
Cùng về tội danh buôn lậu, bị cáo Lê Đình Hùng lãnh 7 năm 6 tháng tù; Nguyễn Minh Khoa 7 năm 6 tháng tù; Trần Văn Việt 6 năm 6 tháng tù, Nguyễn Tấn Việt 6 năm tù; Đinh Văn Đoàn 6 năm tù; Phan Lê Hoàng Anh 3 năm 6 tháng tù...
Tại phiên xét xử trước đó, HĐXX đã nêu nhận định về việc áp dụng hình phạt đối với từng bị cáo. Trong vụ án này, trừ bị cáo Ngô Văn Thụy, 73 bị cáo còn lại đều bị xét xử về tội “Buôn lậu” theo quy định tại Điều 188, Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Căn cứ vào số lượng xăng buôn lậu và số tiền thu lợi bất chính, HĐXX phân loại vai trò của các bị cáo theo 5 nhóm.
Nhóm thứ nhất: Các bị cáo trực tiếp góp vốn mua xăng nhập lậu đưa qua biên giới gồm: Đào Ngọc Viễn, Phan Thanh Hữu và Nguyễn Minh Đức… Đây là nhóm các bị cáo có vai trò chính, chủ mưu, cầm đầu, do đó phải bị nghiêm trị. Trong nhóm này còn có các bị cáo giúp sức trong việc vận chuyển xăng nhập lậu trên các tàu và thu chi tài chính có vai trò thấp hơn.
Nhóm thứ hai: Các bị cáo thuộc nhóm giúp sức trực tiếp, đặc biệt tích cực cho Phan Thanh Hữu trong việc vận chuyển xăng nhập lậu vào nội địa như Nguyễn Hữu Tứ và nhóm tiêu thụ số lượng đặc biệt lớn gồm Nguyễn Hữu Tứ (hơn 161 triệu lít), Trần Thị Thanh Vân và Lê Thanh Tú (hơn 35 triệu lít).
Nhóm thứ 3: Các bị cáo thuộc nhóm thành lập kho để phân phối chính, tức kho Nam Phong, để tiêu thụ hơn 101 triệu lít xăng gồm Lê Thanh Trung và đồng phạm. Các bị cáo được xác định giúp sức đặc biệt cho Nguyễn Hữu Tứ, do đó, cần phải có hình phạt nghiêm khắc.
Thứ tư: Các bị cáo mua hàng nhập lậu, lấy hàng từ kho Nam Phong để bán lại. Nhóm này về cơ bản được chiết khấu ít hơn các nhóm trên và là nhóm mua lại nên được xác định có vai trò ít tích cực hơn. Do đó, cần xem xét số lượng xăng nhập lậu của từng bị cáo để có hình phạt phù hợp.
Thứ năm: Các bị cáo là thuyền trưởng, thuyền viên trên các tàu vận chuyển. Đối với những bị cáo có vai trò thấp, cần thiết xử bằng thời gian đã bị tạm giam, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật. Các bị cáo có người thân cùng bị xét xử trong cùng vụ án như cha con, vợ chồng, anh em… tùy vào vai trò, được xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Đối với bị cáo Ngô Văn Thụy phạm tội "Nhận hối lộ", đây là hành vi thuộc nhóm tội phạm về tham nhũng. Theo nguyên tắc xử lý trách nhiệm hình sự, cần phải bị nghiêm trị.
Riêng Phan Thanh Hữu, Nguyễn Hữu Tứ, Trần Ngọc Thanh, đã có hành vi đưa hối lộ cho Ngô Văn Thụy. Trước khi hành vi đưa hối lộ bị phát giác, các bị cáo đã chủ động khai báo hành vi đưa hối lộ.
Ngày 20-1-2022, CQĐT đã ban hành quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự, đình chỉ điều tra bị can đối với các bị cáo trên về tội "Đưa hối lộ", đồng thời trả lại một phần đưa hối lộ cho các bị cáo.
Nguyễn Tuấn