Phát hiện virus mới giống SARS-CoV-2 ở dơi Nga, kháng vắc-xin

Chia sẻ Facebook
23/09/2022 11:12:03

Các nhà khoa học vừa phát hiện ra một loại virus mới tên là Khosta-2, mang nhiều đặc tính giống SARS-CoV-2, có khả năng lây nhiễm sang người, kháng các vắc-xin ngừa COVID-19 hiện tại lẫn miễn dịch tự nhiên của cựu F0.


Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí y học PLOS Pathogens bởi nhóm tác giả đẫn đầu bởi nhà virus học Michael Letko từ Trường Y tế toàn cầu Paul G.Allen thuộc Đại học Bang Washington (WSU).


Trích dẫn nghiên cứu, tờ Medical Xpress cho biết Khosta-2 là một loại virus được tìm thấy từ một loài dơi lá mũi nhỏ ở miền Tây nước Nga, thuộc về một phân nhóm của virus corona được gọi là virus sarbeco. SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 cũng là một đại diện của virus sarbeco.

Ban đầu, nhóm của tiến sĩ Letko và hai cộng sự chủ chốt nhà sinh thái học virus Stephanie Seifert và nhà miễn dịch học virus Bonnie Gunn, cũng từ WSU, đã tìm hiểu cả về Khosta-1 và Khosta-2 ở các con dơi Nga.


Họ xác định Khosta-1 ít gây rủi ro cho con người, nhưng Khosta-2 đã thể hiện một số đặc điểm đáng lo ngại.

Giống như SARS-CoV-2, Khosta-2 có thể sử dụng protein đột biến của nó để lây nhiễm các tế bào bằng cách gắn vào một protein thụ thể gọi là ACE2 - chính là "cổng vào" quen thuộc của SARS-CoV-2, được tìm thấy trong các tế bào của con người .

Nhóm nghiên cứu bắt đầu xác định xem các loại vắc-xin hiện tại có bảo vệ chống lại loại vi-rút mới hay không bằng cách sử dụng huyết thanh lấy từ quần thể người đã được tiêm chủng COVID-19. Kết quả đáng ngại: Khosta-2 không thể bị vô hiệu hóa bởi các loại vắc-xin ngừa COVID-19 hiện tại.

Họ cũng thử nghiệm huyết thanh từ những những người từng nhiễm biến chủng thống trị hiện tại của SARS-CoV-2 là Omicron, nhưng các kháng thể cũng không hiệu quả.

Như vậy, có thể kết luận Khosta-2 không những kháng vắc-xin mà còn kháng cả miễn dịch từ các cựu F0.


May mắn thay, tiến sĩ Letko và các cộng sự nhận ra virus mới đang thiếu một số gien được cho là có liên quan đến quá trình sinh bệnh ở người. Tuy nhiên, có nguy cơ Khosta-2 tái kết hợp với một loại virus nào khác đã lây nhiễm cho con người như SARS-CoV-2 và tạo ra một "đứa con" nguy hiểm.

Theo tiến sĩ Letko, phát hiện này cho thấy việc tìm ra một loại vắc-xin phổ quát hơn nhằm chống lại các virus sarbeco là rất nhu cầu có thực.

Trong thời gian gần đây, sau khi nhận thấy vắc-xin COVID-19 "truyền thống" ngày càng kém hiệu quả với các dòng SARS-CoV-2 mang nhiều đột biến thoát miễn dịch mới - gần nhất là BA.4 và BA.5 Omicron - đã khiến giới khoa học tăng tốc tìm ra các loại vắc-xin phổ quát hơn mà vắc-xin hai thành phần (bổ sung thành phần kháng Omicron) của Pfizer hay Moderna là ví dụ.

Tuy nhiên mục tiêu cuối cùng của các nhà nghiên cứu vắc-xin khắp thế giới vẫn là một vắc-xin "pan-coronavirus'", tức có khả năng chống lại không chỉ mọi biến chủng SARS-CoV-2 quá khứ và tương lai mà còn chống được nhiều virus corona khác nữa.

Là một người tham gia nghiên cứu vắc-xin COVID-19, tiến sĩ Letko nhấn mạnh rằng dòng họ virus là một danh sách luôn thay đổi, do đó luôn đòi hỏi mở rộng thiết kế vắc-xin để sức tấn công của nó phổ quát hơn.

Trong khi hàng trăm virus sarbeco đã được phát hiện trong những năm gần đây, chủ yếu ở loài dơi ở châu Á, phần lớn không có khả năng lây nhiễm vào tế bào người.

Virus Khosta-1 và Khosta-2 được phát hiện trên loài dơi Nga vào cuối năm 2020 và có vẻ như ban đầu chúng không phải là mối đe dọa đối với con người nên đã không được giới khoa học lưu tâm.

"Về mặt di truyền, những con virus kỳ lạ ở Nga trông giống một số loại virus khác đã được phát hiện ở những nơi khác trên thế giới, nhưng vì chúng không quá giống SARS-CoV-2 nên không ai nghĩ rằng chúng thực sự là bất cứ thứ gì để quá phấn khích" - tiến sĩ Letko giải thích.

Ông tiếp lời: "Nhưng khi chúng tôi xem xét chúng nhiều hơn, chúng tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy chúng có thể lây nhiễm sang các tế bào của con người. Điều đó làm thay đổi một chút hiểu biết của chúng tôi về những loại virus này, chúng đến từ đâu và những khu vực đang liên quan."


Theo Anh Thư

Chia sẻ Facebook