Phát hiện vai trò mới của cá voi: Máy bơm carbon sinh học của đại dương
Với cơ thể to lớn, cá voi lớn có thể di chuyển rất nhiều vật chất hữu cơ xung quanh hành tinh của chúng ta, cho phép chúng trở thành một bể chứa carbon có giá trị.
Theo một nghiên cứu mới của các nhà khoa học từ Đại học Đông Nam Alaska, cá voi có thể được xem như một giải pháp khí hậu tự nhiên . "Kích thước và tuổi thọ của cá voi cho phép chúng tác động mạnh mẽ đến chu trình carbon bằng cách lưu trữ carbon hiệu quả hơn động vật nhỏ" , Heidi Pearson, nhà sinh vật học biển cho biết.
"Chúng làm điều này theo một cách tự nhiên, đó là ăn một lượng lớn con mồi và tạo ra một lượng lớn chất thải".
Được biết, loài động vật biển có vú này có thể sống tới 200 năm. Bên cạnh những tác động to lớn tới hệ sinh thái biển, chúng còn đóng vai trò như một máy bơm carbon sinh học của đại dương, khi luân chuyển carbon giữa đại dương và bầu khí quyển.
Theo nghiên cứu, cá voi ăn khoảng 4% trọng lượng nhuyễn thể và sinh vật phù du trong nước mỗi ngày, tương đương 3,6 tấn. Sau đó, thức ăn của cá voi được chuyển hóa thành phân.
Chất thải tự nhiên này là nguồn thức ăn nuôi dưỡng các sinh vật phù du đang hấp thụ CO 2 nổi gần bề mặt đại dương bằng các chất dinh dưỡng như sắt và nitơ.
Sau đó, các sinh vật phù du tiếp tục trở thành thức ăn cho cá voi, và nhiều loài động vật ăn thịt khác như chim cánh cụt, hải cẩu, cá... tạo thành một vòng tuần hoàn khép kín.
Ngoài ra, cá voi cũng luân chuyển carbon theo những cách khác nhau. Ngay cả khi chúng chết, cá voi chìm xuống đáy đại dương, trở thành thức ăn cho một loạt các loài động vật khác, từ đó cô lập lượng khí thải carbon đó ở sâu dưới nước, thay vì giải phóng lên bề mặt.
Một ước tính cho thấy rằng trước khi quần thể cá voi nhà táng bị suy giảm, loài động vật này giúp loại bỏ gần 2 triệu tấn CO 2 mỗi năm. Cùng với đó, cá voi xanh cũng đã vận chuyển khoảng 140 kiloton carbon mỗi năm ở Nam bán cầu, thúc đẩy hoạt động sinh học trong khu vực sinh sản ít dinh dưỡng của chúng trước khi nạn đánh bắt cá voi công nghiệp diễn ra.
Từ những thống kê này, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng cá voi có thể được coi như một bể chứa carbon tự nhiên, và việc bảo vệ quần thể của chúng sẽ ít rủi ro, có tính lâu dài và hiệu quả cao hơn so với các giải pháp địa kỹ thuật được đề xuất, như bón phân nhân tạo xuống biển hoặc bơm carbon trực tiếp vào sâu trong đại dương.
"Sự phục hồi của cá voi có thể tăng cường khả năng tự duy trì lâu dài của bể chứa carbon đại dương, từ đó đóng vai trò giảm thiểu carbon dioxide ở một mức độ rõ rệt" , nghiên cứu cho biết.
Dẫu vậy, nghiên cứu lưu ý rằng vẫn còn nhiều điều chưa phát hiện thấy ở cá voi, bao gồm cả lượng CO 2 mà chúng thải ra khí quyển.