Phát hiện sớm biến chứng thai sản, xử trí kịp thời nguy cơ sinh non

Chia sẻ Facebook
26/04/2022 14:04:41

Hàng nghìn câu hỏi xoay quanh chủ đề sinh non đã được gửi tới các chuyên gia Phụ sản và Chăm sóc sơ sinh, BVĐK Tâm Anh HN trong chương trình Tư vấn trực tuyến tối 22/4.


Sinh non do nhiều nguyên nhân và có thể xảy ra trong bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. Sinh non là một trong những mối bận tâm lớn của các bà mẹ đang mang thai vì nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cả mẹ và bé.


Trong chương trình Tư vấn trực tuyến “Biến chứng thai sản, nguy cơ sinh non - Phát hiện chính xác để xử trí an toàn” của BVĐK Tâm Anh phối hợp cùng Đài truyền hình Việt Nam, BĐT VnExpress tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng, quan tâm đặc biệt của đông đảo khán giả. Chương trình có sự tham gia của 3 chuyên gia: ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê - Bác sĩ Cao cấp khoa Phụ Sản, BVĐK Tâm Anh Hà Nội, ThS.BS Nguyễn Thu Vân - Phó khoa Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh Hà Nội, ThS.BS Cao Thị Thúy Hà - Bác sĩ khoa Phụ Sản, BVĐK Tâm Anh Hà Nội.

Theo dõi định kỳ - Chìa khóa vàng sàng lọc nguy cơ sinh non

Các câu hỏi của khán giả gửi về cũng cho thấy những lúng túng của thai phụ và gia đình liên quan đến những vấn đề như tiểu đường thai kỳ, dị tật thai nhi… đặc biệt là chủ quan trong việc thăm khám định kỳ và chủ động dự phòng nguy cơ sinh non.


Thời gian vừa qua, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số lượng thai phụ mắc COVID-19 trong khi mang thai và khi chuyển dạ cũng đồng thời tăng cao, khiến nhiều bà mẹ phải bỏ lỡ, trì hoãn lịch hẹn khám cùng với những lo lắng cho an toàn của thai nhi và sức khỏe bản thân giai đoạn hậu COVID.

Bác sĩ Hiền Lê khẳng định: “Đối với những người mẹ bị mắc COVID-19 và đã được điều trị khỏi theo đúng chỉ định y khoa thì các mẹ có thể an tâm là không có ảnh hưởng xấu nào tới sức khỏe của em bé cũng như bà mẹ”. Đồng thời, theo bác sĩ Hiền Lê, hiện nay hầu như các bệnh viện đều đã tiếp nhận thăm khám và chăm sóc thai sản cho cả những người mẹ đang nhiễm COVID-19. Do đó các mẹ nên chủ động tìm hiểu và tìm tới những cơ sở y tế uy tín để thăm khám nhằm đảm bảo thai kỳ an toàn.


ThS.BS Cao Thị Thúy Hà bổ sung thêm: “COVID-19 được xem là một bệnh hô hấp cấp tính, bởi vậy các thai phụ khi mắc Covid-19 nên lựa chọn các đơn vị y tế có khoa phụ sản và khoa hô hấp. Điều này sẽ giúp người mẹ sẽ được chăm sóc tốt nhất, hạn chế tối đa biến chứng của COVID-19, đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh. Tại BVĐK Tâm Anh thời gian vừa qua chúng tôi cũng đã phối hợp cùng chuyên khoa Hô hấp, vốn là một đơn vị được công nhận có đủ năng lực điều trị COVID-19 và hậu COVID-19, để theo dõi cho các sản phụ dương tính với COVID-19”.

ThS. BS Cao Thị Thúy Hà - Bác sĩ khoa Phụ Sản, BVĐK Tâm Anh Hà Nội chia sẻ trong chương trình Tư vấn trực tuyến. Nguồn: BVĐK Tâm Anh.


Chủ động dự phòng, quản lý dài hạn nguy cơ sinh non

Trong chương trình, nhiều khán giả đặt ra câu hỏi về các phương pháp can thiệp điều trị xử trí nguy cơ sinh non và những lưu ý trong quá trình chăm sóc sau điều trị nguy cơ sinh non. Vấn đề cổ tử cung ngắn và mối liên hệ với tình trạng sinh non là một trong những mối quan tâm của nhiều khán giả. Bác sĩ Thúy Hà cho biết cổ tử cung ngắn cũng là một trong những yếu tố đe dọa sinh non khá phổ biến hiện nay. Cổ tử cung ngắn có thể làm tăng nguy cơ chuyển dạ sớm của mẹ, có thể điều trị bằng phương pháp nội khoa (thuốc) và ngoại khoa (phẫu thuật) nhưng chỉ định cụ thể với từng sản phụ phải được cá thể hóa.

Khán giả H.N có câu hỏi: “Em mang song thai đã khâu vòng khi 12 tuần, lúc đó chiều dài cổ tử cung là 41mm. Sau khi phẫu thuật em cũng chú ý giữ gìn, ăn uống đầy đủ để bồi bổ cho 2 con, cân nặng tăng rất tốt. Có 1 đợt do dịch nên em không đi khám đều được, đến gần đây em hay thấy bụng có cơn gò, đi kiểm tra thấy chiều dài cổ tử cung còn có 14, có cách nào để em giữ thai không?”.

Trả lời câu hỏi, bác sĩ Hiền Lê chia sẻ, nhiều người lầm tưởng rằng điều trị sinh non có nghĩa là chấm dứt được hoàn toàn nguy cơ. Tuy nhiên, các kỹ thuật can thiệp xử trí nguy cơ sinh non không thể triệt căn hoàn toàn nguyên nhân gây sinh non. Với trường hợp của sản phụ H.N, việc khâu vòng cổ tử cung ở tuần 12 sẽ giúp dự phòng hiệu quả nguy cơ sinh non do đa thai. Nhưng sau quá trình điều trị nhiều người thường bổ sung dinh dưỡng quá nhiều, có thể khiến thai phát triển quá nhanh, khiến cổ tử cung ngắn, nguy cơ sinh non quay trở lại. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người mẹ có nguy cơ cao càng cần chú ý thực hiện khám thai theo chỉ định để kiểm soát tốt các yếu tố đe dọa sinh non, quản lý các nguy cơ sau khi can thiệp xử trí nguy cơ sinh non.

ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê - Bác sĩ Cao cấp khoa Phụ Sản, BVĐK Tâm Anh Hà Nội chia sẻ trong chương trình Tư vấn trực tuyến. Nguồn: BVĐK Tâm Anh

Chia sẻ với những khán giả quan tâm tới chủ đề sinh non, ThS.BS. Nguyễn Thu Vân khẳng định, hiện nay đã có rất nhiều các phương pháp hiện đại, giúp dự phòng sớm nguy cơ sinh non, can thiệp điều trị kéo dài thời gian phát triển của em bé trong bụng mẹ, làm tăng cơ hội sống của trẻ trong trường hợp sinh non. Cùng với đó, các kỹ thuật và thiết bị chăm sóc trẻ sinh non hiện nay cũng rất phát triển. Tại Việt Nam, các kỹ thuật và thiết bị này cũng đã được ứng dụng cấp cứu, nuôi sống nhiều trường hợp thai nhi sinh non, cân nặng nhỏ ở tuần 25, 26.

“Đặc biệt, tại BVĐK Tâm Anh việc chăm sóc trẻ sinh non hiện nay không chỉ quan tâm tới việc bù đắp các chỉ số về thể chất, giúp trẻ thoát khỏi các biến chứng sức khỏe. Các bác sĩ còn rất chú trọng chăm sóc bảo vệ hệ thần kinh của trẻ, giúp con có cơ hội phát triển trí não như các em bé khác. Đây cũng là xu hướng chăm sóc trẻ sinh non của thế giới", bác sĩ Vân chia sẻ.

ThS.BS. Nguyễn Thu Vân - Phó khoa Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh Hà Nội chia sẻ trong chương trình Tư vấn trực tuyến. Nguồn: BVĐK Tâm Anh.

Với những kỹ thuật mới, hiện đại trong việc chăm sóc dự phòng và xử trí nguy cơ sinh non cùng các kỹ thuật chăm sóc trẻ sinh non hiện nay, các thai phụ vẫn có cơ hội sinh con an toàn ngay cả khi có nguy cơ cao. Do đó, các chuyên gia khuyên mẹ bầu khi phát hiện nguy cơ sinh non không nên quá căng thẳng, lo lắng, điều này có thể càng làm gia tăng nguy cơ sinh non trong thai kỳ.

Chia sẻ Facebook