Phát hiện sinh vật lớn nhất thế giới bao phủ 20.000ha biển nước Úc
Ngay dưới mặt nước của vịnh Cá Mập phía tây nước Úc là một sinh vật đã tồn tại hàng ngàn năm và sinh sôi nảy nở bằng việc nhân bản vô tính. Ngày nay, sinh vật ấy bao phủ một khu vực hơn 20.000 hecta.
Sinh vật ấy chính là loại cỏ biển có tên khoa học Posidonia australis , một đối tượng nghiên cứu của cô Jane Edgeloe. Nghiên cứu sinh tiến sĩ này đã dành nhiều thời gian lặn khảo sát ở loài cỏ biển trên trong vịnh Cá Mập và lấy mẫu xét nghiệm, phân tích ADN.
Kết quả được công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B hôm 1-6 đã phơi bày một trong những sinh vật khổng lồ và có thể là lớn nhất thế giới còn sống, theo báo New York Times .
"Tất cả chúng đều cùng một cây", tiến sĩ Elizabeth Sinclair - đồng tác giả của nghiên cứu - tỏ ra phấn khích khi trao đổi với tờ báo của Mỹ.
Trong khi một số đồng cỏ phía bắc vịnh Cá Mập sinh sản hữu tính, phần còn lại của đồng cỏ Posidonia đã tự nhân bản và phát triển trong hàng ngàn năm. Một số đồng cỏ Posidonia trông có vẻ tách rời nhau nhưng xét nghiệm di truyền cho thấy chúng là một và đã từng được kết nối bằng những bộ rễ khổng lồ.
Thảm cỏ ở vịnh Cá Mập dường như là "con lai" giữa hai loài và sở hữu hai bộ nhiễm sắc thể hoàn chỉnh, một tình trạng được gọi là đa bội.
Mặc dù thể đa bội có thể gây chết phôi ở động vật, nó có thể vô hại hoặc thậm chí hữu ích ở thực vật. Tuy nhiên, nó có thể dẫn đến vô tính: cỏ không ra hoa và chỉ có thể sinh sản bằng cách tiếp tục tự nhân bản.
Sự kết hợp giữa các gene bổ sung và nhân bản này có thể là chìa khóa cho sự tồn tại của cỏ trong thời kỳ biến đổi khí hậu cổ đại.
Nhân bản giúp nó sinh sản dễ dàng hơn vì không phải bận tâm đến việc tìm kiếm bạn đời. Các gene bổ sung có thể đã mang lại cho cỏ biển "khả năng đối phó với nhiều điều kiện khác nhau - một điều tuyệt vời khi khí hậu biến đổi", bà Sinclair giải thích thêm.
Một câu hỏi thú vị đang được giới khoa học đặt ra là liệu loài sinh vật lớn nhất thế giới và đã từng vượt qua sự thay đổi khí hậu thời cổ đại có chống chọi được biến đổi khí hậu hiện đại hay không.
Gấu nước - loài sinh vật tưởng như 'bất tử' khi có thể sống sót ở ngoài Trái đất và trong môi trường nhiễm phóng xạ hóa ra lại có thể bị tiêu diệt khi tiếp xúc với một thứ rất quen thuộc: chất nhầy của ốc sên.