Phát hiện kỳ thú về các sát thủ đại dương: Bơi mỏi rồi, cá mập chuyển sang 'đi bộ' dưới đáy biển

Chia sẻ Facebook
09/12/2022 23:30:13

Loài cá mập miệng bản lề có khả năng uốn cong vây để “đi bộ' và tìm kiếm thức ăn dưới đáy biển.

Cá mập đang "đi bộ" dưới đáy biển để săn mồi.

Có khoảng 400 loài cá mập sống dưới lòng đại dương, nhưng đó mới chỉ là con số mà chúng ta biết đến. Trên thực tế, con người mới chỉ khám phá được khoảng 2% diện tích nước mặn khổng lồ của thế giới, vì vậy việc có những loài chúng ta vẫn chưa biết đến là hoàn toàn có thể xảy ra.

Giống như các động vật khác, mỗi loài cá mập có những thói quen, đặc điểm và sở thích riêng. Chẳng hạn, cá nhám voi thích bơi qua vùng biển ấm với tốc độ chỉ khoảng 3 dặm (khoảng 4,8km) mỗi giờ. Trong quá trình chậm rãi đó, chúng sẽ liên tục mở miệng để ăn những sinh vật phù du và những loài cá nhỏ trôi theo dòng nước.

Trong khi đó, loài cá mập mako vây ngắn sẽ bơi với tốc độ lên đến hơn 30 dặm (khoảng 48 km) mỗi giờ. Chúng sẽ săn các loài động chân đầu như bạch tuộc, mực ống, mực nang... hay các loài cá có xương sống, và xé toạc con mồi trước cả khi chúng kịp nhận ra nguy hiểm đang đến gần.

Mỗi loài cá mập đều có một đặc tính riêng mà các nhà khoa học có thể chưa khám phá hết

Và mới đây, trong một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Exeter và tổ chức phi chính phủ Beneath the Waves, các nhà khoa học đã bất ngờ nhận ra rằng loài cá mập miệng bản lề dường như có khả năng đi bộ, và thậm chí là “trồng cây chuối” dưới đáy biển.

Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environmental Biology of Fishes, các nhà khoa học đã lắp đặt các camera dưới nước ngoài khơi bờ biển Turks và Caicos. Kết quả thu được từ những đoạn video cho thấy loài cá mập miệng bản lề có khả năng tạo ra những tư thế độc đáo để kiếm ăn.

Cụ thể, loài động vật này đã ăn mồi dưới đáy biển bằng tư thế chổng ngược, đồng thời còn biết dùng ngực để định vị con mồi và cuộn phần bụng lại để giữ thức ăn. Ngoài ra, cá mập miệng bản lề còn còn uốn cong phần vây ngực và dùng nó để bò dưới đáy biển, tương tự như tư thế “đi bộ” của con người.


Kristian Parton, tác giả chính của nghiên cứu cho hay: “ Những hành vi kiếm ăn này cho thấy cá mập miệng bản lề đã thích nghi để có thể săn mồi ở nhiều môi trường sống khác nhau ". Trong khi vây ngực là bộ phận ít chuyển động của hầu hết các loài cá mập, thì cá mập miệng bản lề lại có thể “đi bộ" trên mặt đất nhờ vào sử dụng hai vây này.

Công trình này minh họa cho khả năng thích nghi mạnh mẽ của loài cá mập và cung cấp một bước tiến quan trọng để hiểu rõ hơn về vai trò của chúng trong hệ sinh thái

Trước đây, những nghiên cứu về loài cá mập miệng bản lề chủ yếu tập trung vào khía cạnh sinh sản. Tuy nhiên, trong những phát hiện mới, các nhà khoa học sẽ có thể nghiên cứu sâu hơn về loài cá này và tầm quan trọng của chúng đối với các loài san hô trên khắp thế giới.

Chia sẻ Facebook