Phát hiện dấu hiệu tội phạm, thanh tra phải chuyển ngay hồ sơ sang cơ quan điều tra
“Nhiều trường hợp hành vi tham nhũng xảy ra trong thời gian khá lâu mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản, thậm chí đã sử dụng phần lớn tài sản chiếm đoạt để tiêu xài, hoang phí”, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà nêu.
Sớm ngăn chặn tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng 25/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) dẫn Điểm P, Khoản 1, Điều 78 của dự thảo, quy định người ra quyết định thanh tra có nhiệm vụ, quyền hạn chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm. Theo đại biểu, quy định này còn 4 hạn chế.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) cho rằng, trong lĩnh vực thuế và hải quan nếu bỏ chức năng thanh tra thì ngân sách nhà nước sẽ có nguy cơ thất thu hàng nghìn tỷ đồng. Đây là nguồn thu lớn và ổn định, bền vững của ngân sách nhà nước. Hiệu quả của thanh tra Cục Thuế, Cục Hải quan, Cục Hải quan tỉnh và khu vực là không phải bàn cãi.
Vì thế, đại biểu cho rằng cần thiết tổ chức cơ quan thanh tra ở Cục thuộc tổng cục thuộc Bộ để tăng sự huy động vào ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, ông Dũng cùng một số đại biểu khác cũng đề nghị quy định trong Luật Thanh tra (sửa đổi) về cơ quan thanh tra bảo hiểm xã hội, bao gồm ở Bảo hiểm xã hội Việt Nam và ở Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Đại biểu đang là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, quy định như vậy là không thống nhất với quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự và Luật Phòng, chống tham nhũng. Vì cả hai văn bản luật này đều quy định phải chuyển ngay các tài liệu, đồ vật hoặc chuyển ngay hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra. Cả hai văn bản luật này đều quy định việc chuyển ngay tài liệu, đồ vật, hồ sơ sang cơ quan điều tra là trách nhiệm chứ không phải là nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra.
Bên cạnh đó, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, quy định này cũng không bảo đảm thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng về phòng, chống tội phạm nói chung và các tội phạm tham nhũng nói riêng, đó là xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong tỏa tài khoản; cũng không bảo đảm nguyên tắc xử lý tội phạm trong Bộ Luật Hình sự là mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật cũng như nhiệm vụ của Bộ Luật tố tụng hình sự là xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm.
Đại biểu Hà cũng cho rằng, quy định như trên cũng không thể hiện thái độ kiên quyết, mạnh mẽ của Quốc hội và mệnh lệnh rõ ràng, dứt khoát của nhân dân đối với trách nhiệm của cơ quan thanh tra trong đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng như trong xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra.
Cuối cùng, quy định đó cũng không đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là các tội phạm về tham nhũng trong tình trạng hiện nay.
Từ bốn hạn chế nêu trên, đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị bổ sung cụm từ “trách nhiệm” vào sau từ “quyền hạn, đồng thời, bổ sung từ “phải” và từ “ngay”, qua đó, Điều 78 của dự thảo luật sẽ được quy định: “Phải chuyển ngay các tài liệu, đồ vật, hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra”.
Nêu rõ tính chất độc lập của hoạt động thanh tra
Đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) đề nghị bổ sung các quy định về nội dung của kết luận thanh tra. Đề cập đến vấn đề tạm giữ tiền, đồ vật, theo dự thảo, người ra quyết định thanh tra có nhiều nhiệm vụ quyền hạn, yêu cầu người có thẩm quyền tạm giữ tiền, giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 86 quy định Trưởng đoàn thanh tra đề nghị người ra quyết định thanh tra quyết định tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép…
“Theo quy định này, người ra quyết định thanh tra có thẩm quyền quyết định tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép, như vậy không thống nhất với quy định tại điểm đ, khoản 1 Điều 77”, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị chỉnh lý lại quy định này đảm bảo tính thống nhất.
Liên quan đến hợp pháp giữa thanh tra và Kiểm toán Nhà nước (chương 6), đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị chỉnh lý lại quy định Điều 107 của dự thảo luật để thể hiện rõ cơ quan nào là cơ quan chủ trì, cơ quan nào là cơ quan phối hợp, đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Kiểm toán nhà nước, tránh các vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.
Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) quan tâm đến nguyên tắc hoạt động thanh tra. Đại biểu chỉ ra rằng dự án luật có quy định, hoạt động thanh tra tuân theo pháp luật; dân chủ, công khai, khách quan, kịp thời, chính xác. Đại biểu đề nghị cần đề cao, nêu rõ tính chất độc lập của hoạt động thanh tra. Theo đó, cần sửa đổi điều này thành hoạt động thanh tra tuân theo pháp luật; độc lập, dân chủ, công khai, khách quan, kịp thời, chính xác.
Về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, đại biểu đề nghị cần quy định rõ việc phối hợp xử lý chồng chéo giữa hoạt động thanh tra với hoạt động giám sát của cơ quan dân cử và hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng. Đại biểu hy vọng dự án Luật lần này sẽ phát huy cao nhất hiệu quả cơ chế kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước, nhưng không làm lãng phí nguồn lực, chồng chéo công việc, góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.