Phát hiện đàn voi nằm trong rừng, nghi ngờ do bị say rượu

Chia sẻ Facebook
14/11/2022 11:17:17

Đàn voi nằm ngủ say trong rừng, gần nơi ủ rượu, khiến các nhân viên kiểm lâm phải đánh trống để gọi chúng thức dậy

Một con voi ngủ trong rừng ở quận Keonjhar, bang Odisha. (Ảnh: PTI).


Khi dân làng sống gần rừng điều Shilipada, quận Keonjhar, bang Odisha, vào rừng để chuẩn bị rượu, họ phát hiện 24 con voi có vẻ bị say, India Today hôm 10/11 đưa tin. Chúng nằm ngủ gần nơi hoa mahua được ủ với nước trong các vại lớn để lên men . Hoa của cây mahua ( Madhuca longifolia ) được lên men để sản xuất một loại rượu. Người dân ở nhiều vùng khác nhau của Ấn Độ làm loại rượu này theo truyền thống.


"Chúng tôi vào rừng lúc khoảng 6h sáng (hôm 8/11) để chuẩn bị mahua và thấy các vại đều bị vỡ và thiếu nước lên men. Chúng tôi cũng phát hiện những con voi đang ngủ. Chúng đã uống nước lên men và say xỉn. Loại rượu đó vẫn chưa qua chế biến. Chúng tôi cố gắng đánh thức đàn voi nhưng thất bại. Sau đó, chúng tôi thông báo cho cơ quan kiểm lâm" , Naria Sethi, một dân làng, cho biết.

Khi đến nơi, nhân viên kiểm lâm phải đánh trống để đánh thức đàn voi. Nhân viên Ghasiram Patra cho biết, chúng sau đó đã đi sâu vào trong rừng. Anh không chắc chắn đàn voi bị say do uống mahua, có thể chúng chỉ đang nghỉ ngơi. Trong khi đó, nhiều dân làng khẳng định họ bắt gặp những con voi đang ngủ trong tình trạng say xỉn ở nhiều nơi khác nhau gần những chiếc vại bị vỡ hôm 8/11.


Mahua là một món yêu thích của voi Ấn Độ hoang dã, theo Kartick Satyanarayan, giám đốc điều hành Wildlife SOS, tổ chức phi lợi nhuận giúp giải cứu và phục hồi sức khỏe cho động vật hoang dã Ấn Độ. "Chúng thích mahua. Nó tinh khiết, ngon và rất mạnh. Khi ngửi thấy mùi, voi có thể thò vòi vào bếp hoặc phá tường để lấy rượu. Sau đó, chúng đi về một cách lảo đảo, làm đổ cây hoặc nhà trên đường" , Satyanarayan nói.


Voi Ấn Độ ( Elephas maximus indicus ) là một trong ba phân loài của voi châu Á. Con trưởng thành có thể cao tới 3,5 m và nặng 2 - 5 tấn. Chúng nằm trong danh sách động vật nguy cấp trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Chúng bị đe dọa bởi nạn săn bắn, mất môi trường sống và tình trạng phân bố rải rác.

Chia sẻ Facebook