Phát hiện củng cố giả thuyết sự sống trên Trái Đất có thể bắt nguồn ngoài không gian
Những hạt bụi mà tàu thăm dò không gian Hayabusa-2 của Nhật Bản thu được từ Ryugu (tiểu hành tinh cách Trái Đất 300 triệu km) chứa một thành phần đáng ngạc nhiên: một giọt nước. Các nhà khoa học nhận định rằng phát hiện mới này giúp củng cố thêm giả thuyết rằng sự sống có thể bắt nguồn từ ngoài không gian. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science hôm 23/9 vừa qua.
Ông Nakamura cho biết giọt chất lỏng này là nước có ga chứa muối và chất hữu cơ. Điều này củng cố giả thuyết các tiểu hành tinh như Ryugu, hoặc tiểu hành tinh lớn hơn, có thể đã cung cấp nước chứa muối và chất hữu cơ trong những lần va chạm với Trái Đất. Ông cho hay rằng nhóm của mình đã phát hiện ra bằng chứng cho thấy điều này có thể liên quan trực tiếp đến nguồn gốc các đại dương hoặc chất hữu cơ trên Trái Đất.
Trong khi đó, ông Kensei Kobayashi, chuyên gia thiên văn học, Giáo sư thuộc Đại học quốc gia Yokohama và không thuộc nhóm nghiên cứu trên, đánh giá rằng phát hiện này cho thấy tiểu hành tinh chứa nước ở dạng chất lỏng chứ không chỉ ở dạng băng và chất hữu cơ có thể được tạo ra từ nước đó. Theo ông, bản thân việc phát hiện ra nước trong mẫu vật là điều đáng kinh ngạc bởi mẫu vật rất mong manh và có khả năng bị phá hủy ngoài không gian.
Hồi tháng 4 vừa qua, một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nature Communications đã phát hiện các thành phần hóa học thiết yếu cho sự sống trong các mảnh thiên thạch rơi xuống Mỹ, Canada và Úc, qua đó góp phần củng cố giả thiết rằng những vật thể tương tự ngoài vũ trụ có thể đã tới Trái Đất từ rất sớm.
Cụ thể, trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích vật liệu của 3 mảnh thiên thạch, gồm một mảnh rơi xuống thị trấn Murray tại bang Kentucky của Mỹ vào năm 1950, một mảnh lao xuống gần thị trấn Murchison tại bang Victoria của Úc vào năm 1969, một mảnh rơi xuống gần hồ Tagish ở tỉnh British Columbia của Canada vào năm 2000.
Cả 3 đều là thiên thạch hình cầu chứa các-bon, từ một vật liệu cứng như đá và được cho là hình thành trong giai đoạn đầu của lịch sử hệ Mặt Trời. Các thiên thạch đều giàu các-bon, trong đó thiên thạch ở Úc và Mỹ chứa 2% các-bon hữu cơ xét theo trọng lượng, trong khi thiên thạch tại Canada chứa khoảng 4% các-bon hữu cơ.
Các-bon được cho là thành phần đầu tiên của các sinh vật sống trên Trái Đất. Cả 3 thiên thạch đều chứa hỗn hợp phân tử hữu cơ phức tạp, với phần lớn các thành phần đều chưa thể xác định.
Trước đó, các nhà khoa học đã phát hiện trong những mạnh thiên thạch trên có 3 trong tổng số 5 thành phần hóa học cần thiết để tạo nên ADN (phân tử mang thông tin di truyền, chỉ dẫn cách tạo ra các protein quan trọng cho sự tăng trưởng, phát triển của mọi sinh vật) và ARN (phân tử đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các hoạt động của gen). Đến hôm 26/4 vừa qua, các nhà nghiên cứu thông báo đã xác định được 2 thành phần hóa học cuối cùng sau khi điều chỉnh phương thức phân tích thiên thạch.
Phan Anh