Phát hiện chiếc răng em bé 130.000 tuổi trên núi, các nhà khảo cổ ngỡ ngàng về quá khứ loài người cổ xưa ở Đông Nam Á
Chiếc răng hàm mới phát hiện ở dãy Trường Sơn có thể giúp các nhà khoa học "vỡ ra" rất nhiều điều về loài người cổ xưa từng sống ở khu vực Đông Nam Á.
Vào ngày 17/5 mới đây, các nhà khoa học và khảo cổ học đã công bố một thông tin đặc biệt trên tạp chí Nature Communications, thu hút sự chú ý của nhiều người. Theo đó, họ đã khai quật được một chiếc răng trong hang động nhỏ có tên Cobra (hang rắn hổ mang) thuộc khu vực dãy Trường Sơn, nằm ở địa phận Lào.
Các nhà nghiên cứu tin rằng chiếc răng thuộc về một bé gái sống cách đây ít nhất 130.000 năm và có khả năng là người Denisovan - một nhóm người sơ khai bí ẩn được xác định lần đầu tiên vào năm 2010.
Theo tạp chí National Geographic, người Denisovan - một trong những họ hàng gần nhất của người hiện đại - được cho là tách khỏi nhóm anh em của mình, người Neanderthal, khoảng 400.000 năm trước.
Đó là khi người Neanderthal di chuyển đến khắp châu Âu, còn người Denisovan đi về phía Đông, tiến đến châu Á.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra nhiều di vật của người Neanderthal, nhưng hóa thạch của người Denisovan lại gần như rất hiếm. Tất cả xương và răng của người Denisovan từng được tìm thấy ít đến mức có thể để gọn trong một chiếc túi nhựa cỡ chiếc bánh mì kẹp. Chúng đều được tìm thấy ở 2 địa điểm, Siberia và Tây Tạng.
Nhưng các nhà khoa học từ lâu đã nghi ngờ người Denisovan đã đi xa hơn nhiều về phía Nam. Và phát hiện về chiếc răng lần này giúp họ củng cố niềm tin.
Phát hiện mới nhất ở Lào, được công bố tuần này trên tạp chí Nature Communications, cho thấy phạm vi đa dạng đáng kinh ngạc mà người Denisovan từng sinh sống, từ những ngọn núi băng giá và cao nguyên đến những vùng đất thấp ẩm ướt ở Đông Nam Á.
Nhà khảo cổ học Laura Shackelford nói: "Điều đó khiến tôi nghĩ về việc họ giống với chúng ta như thế nào. Đó là một dấu hiệu của con người hiện đại".
Chiếc răng Denisovan có khả năng là một trong nhiều phát hiện mới gợi ý rằng còn nhiều thứ nữa đang chờ được khám phá trong khu vực Đông Nam Á.
Trong gần một thập kỷ, dấu tích duy nhất được biết đến của người Denisovan là một vài chiếc răng, một chiếc xương ngón tay út và một mảnh hộp sọ được phát hiện tại hang động ở miền Nam Siberia.
Sau đó, vào năm 2019, một thông báo gây bất ngờ đã tiết lộ một chiếc hàm của người Denisovan - hay còn gọi với cái tên Xiahe mandible - được phát hiện trong Động Baishiya, ở rìa của Cao nguyên Tây Tạng.
Hình dạng tổng thể và cấu trúc bên trong của chiếc răng hàm này giống với những chiếc răng của người Denisovan đã được xác định trước đây ở rìa của cao nguyên Tây Tạng. Hóa thạch thuộc nhóm bí ẩn này rất hiếm.
Chiếc răng hàm mới phát hiện ở Lào có thể giúp các nhà khoa học "vỡ ra" rất nhiều điều về người Denisovan. Clément Zanolli, đồng tác giả của nghiên cứu và là nhà cổ nhân học tại Đại học Bordeaux của Pháp, cho biết: "Chiếc răng giống như một 'hộp đen nhỏ' trong cuộc đời của mỗi người. Xét về hình dạng, cấu trúc bên trong, hóa học và các kiểu mài mòn, răng có thể lưu giữ các thông tin về tuổi, chế độ ăn uống và thậm chí cả khí hậu của môi trường sống của họ".
Nhóm nghiên cứu đã phân tích chiếc răng hóa thạch trong hang Cobra. Họ xác định nó thuộc về một bé gái khoảng 2,5 - 8,5 tuổi.
Vì nhiệt độ và độ ẩm cao, mẫu vật không được bảo quản tốt nên rất khó xác định chính xác niên đại. Dựa vào phương pháp phân tích protein và tái tạo tia X 3D, các nhà khoa học ước tính nó có từ cách đây 131.000 - 164.000 năm.
Trong giai đoạn tiếp theo, các nhà nghiên cứu sẽ tiến hành phân tích oxy và carbon hóa học của men răng. Từ đó tìm hiểu về khí hậu nơi cô bé người Denisovan này sinh sống, và cả những gì cô bé đã ăn khi chiếc răng hàm hình thành.
Nguồn: National Geographic, CNN