Phát hiện 7 đàn voọc chà vá chân đen quý hiếm trên núi Chứa Chan
Quần thể voọc chà vá chân đen trên núi Chứa Chan (Đồng Nai) gồm 7 đàn với tổng số lượng khoảng 159-192 con.
Ngày 27-5, UBND tỉnh Đồng Nai cho hay vừa ra quyết định phê duyệt kết quả thực hiện dự án "Điều tra, phân bổ tình trạng, cấu trúc đàn, đặc điểm sinh thái, chương trình giám sát loài chà vá chân đen ở núi Chứa Chan" do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đồng Nai chủ trì.
Kết quả điều tra xác định một quần thể voọc chà vá chân đen tại núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc) gồm 7 đàn với khoảng 159-192 con. Các con voọc phát triển khá tốt, đang trong thời kỳ gia tăng số lượng. Mỗi đàn đều ghi nhận con đực và cái trưởng thành, bán trưởng thành, con non loại 1, 2 và con mới sinh. Quá trình nghiên cứu cũng ghi nhận hiện tượng tách, nhập đàn.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng xác định được 154 loài thực vật là thức ăn của chà vá chân đen, chiếm 48,7% tổng số loài thực vật trong khu vực điều tra. Không ghi nhận voọc ăn vỏ cây, động vật và côn trùng...
Các ngành chức năng Đồng Nai đã đề xuất một số giải pháp cấp bách để bảo tồn đàn voọc quý hiếm này ; xây dựng kế hoạch và mục tiêu bảo tồn giai đoạn 2022-2025 và tầm nhìn đến năm 2030…
Núi Chứa Chan (còn gọi là núi Gia Ray hay núi Gia Lào, thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) là ngọn núi cao thứ hai ở Đông Nam Bộ (sau núi Bà Đen - Tây Ninh) với độ cao 837m so với mực nước biển, sườn dốc 30-35 độ, đôi chỗ là vách dựng đứng.
Đây là một trong những thắng cảnh hữu tình, độc nhất vô nhị ở Đồng Nai và hiếm gặp ở Nam Bộ, là địa điểm du lịch hấp dẫn thu hút đông du khách đến khám phá, trải nghiệm. Núi được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia vào năm 2012.
Chiều 17-4, ông Trần Ngọc Hiếu, trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển huyện Thuận Nam (Ninh Thuận), cho biết đang lập phương án bảo vệ đàn voọc chà vá chân đen vừa xuất hiện nhiều ở vùng rừng phòng hộ ven biển huyện Thuận Nam.