Phật giáo VN họp đại hội và cam kết nhìn vào 'tài sản tăng ni' - BBC News Tiếng Việt
Giáo hội Phật giáo Việt Nam chuẩn bị đại hội để 'tu chỉnh’ và nhìn vào tài sản của tăng ni cùng vấn nạn 'chùa riêng'.
Phật giáo VN 'họp đại hội tu chỉnh' và bàn về tài sản các chùa
Chụp lại hình ảnh,
Nhu cầu thờ cúng trong xã hội Việt Nam hiện vẫn khá cao
2 giờ trước
Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX sẽ diễn ra trong hai ngày 28-29/11 năm nay ở Hà Nội và dự kiến sẽ bàn cả về tài sản của tăng ni.
Vấn đề gây bức xúc dư luận Việt Nam lâu nay hiện tượng “chùa khủng” và “tiền tỉ” ở các quỹ “công đức” ở một số chùa Việt Nam.
Theo các báo Việt Nam, giới chức của Giáo hội Phật giáo VN, sẽ “bàn nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có vấn đề tài sản của tăng ni, chùa riêng, chùa tư”.
Tại cuộc họp báo hôm 23/11 về việc tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ 2022-2027, vấn đề “tài sản của tăng ni, chùa riêng, chùa tư”.
Theo hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Tổng thư ký Ban Trị sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát biểu tại họp báo rằng “dự kiến, tại Đại hội, Hiến chương dự kiến sẽ quy định rất rõ về vấn đề này để tránh những tình trạng sử dụng tiền của tam bảo làm của riêng”.
Ông cũng khẳng định “tất cả các cơ sở của giáo hội chùa chiền hiện nay đều trực thuộc Giáo hội, không có chùa riêng, chùa tư”.
Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX được tổ chức với chủ đề “Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển” và sẽ “tu chỉnh” một số vấn đề của Giáo hội.
Cảm nhận của xã hội và truyền thông về Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Từ nhiều năm qua, việc Đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam cho phép các đạo giáo phát triển các hoạt động của mình đã làm thay đổi bức tranh sinh hoạt tôn giáo, tâm linh ở nước này.
Các tài liệu chính thống ở Việt Nam xác nhận đây là “nhà nước đa tôn giáo”, với
trên 20 triệu tín đồ các đạo giáo, gồm 10 triệu tín đồ Phật giáo
Như một di sản của lịch sử, Phật giáo nói riêng có nhiều hệ phái và các giáo hội khác nhau, dù nhà nước hiện nay chỉ công nhận một Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và không công nhận Giáo hội Phật giáo VN Thống nhất, có tín đồ, tăng ni ở phía Nam và hải ngoại.
Một nhánh khác của Phật giáo gốc Việt là Tăng đoàn Làng Mai có trụ sở ở nước ngoài và uy tín quố́c tế nhất định thì hiện chưa hoàn toàn được chấp nhận trở lại tại Việt Nam.
Theo cơ quan tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam thì đường hướng của Giáo hội Phật giáo VN, tổ chức tham gia Mặt trận Tổ quốc, là “ dân tộc - đạo pháp - chủ nghĩa xã hội”.
Nhưng không ít sư tăng của Giáo hội chính thống này đã được dư luận cho là dự vào sự bảo trợ của quan chức Nhà nước để phát triển cơ sở chùa chiền và quản lý nhưng “như của riêng”.
Mặt khác, chính quyền cũng muốn tỏ ra là đẫt nước rất tự do về tôn giáo và nhiều lãnh đạo cao cấp thường xuyên thăm các chùa, như cách thể hiện sự ủng hộ văn hóa truyền thống.
Bên cạnh các câu chuyện tích cực về Giáo hội, các báo Việt Nam thường xuyên đăng tải những bài về nhiều vụ bê bối hoặc chướng tai gai mắt liên quan đến sư sãi.
Các từ khóa liên quan dễ dàng tìm thấy trên internet ở Việt Nam là “chùa vi phạm pháp luật”, “thực hư kho vàng ở chùa”, “khối tài sản tiền tỷ”, “thầy chùa ăn thịt chó”, “tà dâm nơi cửa Phật”, “chùa khủng là kinh doanh”...
Dù nhiều tin này sau đó được chứng minh là không hẳn như vậy, tiếng xấu về một bộ phận sư sãi đã lan ra trong dư luận và người ta tin rằng việc vào chùa làm sư “kiếm tiền rất là dễ”.
Chính quyền VN cũng liên tục ra công văn “chấn chỉnh” một số hoạt động bị cho là sai trái ở các chùa khác nhau.
Từ gần 10 năm trước, hồi 2013 , một nhà nghiên cứu tôn giáo, GS Ngô Đức Thịnh từ Hà Nội đã nói với BBC rằng "một bộ phận mà ông cho là 'không nhỏ' các quan chức, trong đó có cả các nhà quản lý, cũng tham gia vào việc tiếp tay cho một số cá nhân, tổ chức buôn thần, bán thánh qua việc cầu lộc, cầu tài và lạm dụng kinh tài qua trao nhận cúng dường, công đức".
Càng gần đây thì những việc này càng lan ra ngoài xã hội rộng hơn.
Một trang báo VN hồi 2019 đăng tin ở tỉnh Lâm Đồng:
“...sau dịp Tết Nguyên đán, một số hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được tổ chức tại các cơ sở Phật giáo như: dâng sao giải hạn, đốt vàng mã, bán vé tham quan chùa, hầu đồng, kinh doanh dịch vụ trong khuôn viên cơ sở thờ tự… có nhiều biến tướng, không phù hợp với truyền thống Phật giáo. Các hoạt động này đã làm suy giảm niềm tin trong tăng ni, phật tử và quần chúng nhân dân, tạo dư luận xã hội không tốt, ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh, vị trí, vai trò của Phật giáo Việt Nam, gây mất an ninh, trật tự, tác động xấu đến phát triển kinh tế, xã hội…”
Tháng 10 năm nay, sau các cáo buộc “vi phạm” với dịch vụ cầu vong thu tiền ở chùa Ba Vàng, Uông Bí, một vị sư nổi tiếng đã phải “thuyên chuyển công tác” vào Quảng Bình, theo b áo VN .
Chụp lại hình ảnh,
Ngay từ 2013, một chuyên gia về tôn giáo, GS Ngô Đức Thịnh nói với BBC rằng trong xã hội VN đang có "các hiện tượng vụ lợi gây xáo trộn, làm rối loạn đời sống, tín ngưỡng truyền thống của người dân Việt Nam"
Tình trạng chung?
Cùng lúc, như TS triết học Nguyễn Hữu Liêm viết trên trang web BBC News Tiếng Việt tháng 2 vừa qua thì hiện nay, ở các quốc gia Đông Nam Á gồm VN, “đạo Phật bị phân hóa làm hai ngã chính”.
“Một đằng là sự bình dân hóa cho khối quần chúng mang trình độ tự ý thức thấp kém, một đằng kia thì nó trở nên một thể dạng trí thức hóa giáo lý nhà Phật thành một hệ thống triết học cao cấp dành cho tầng lớp trí thức ưu việt.”
Ở dạng thức đầu tiên, nhu cầu cúng tiến, cầu tài lộc, thậm chí hoạt động mê tín dị đoan trục lợi đã xuất hiện ở một số chùa chiền Việt Nam hiện nay. Việc này một phần đáp ứng nhu cầu thờ cúng trong xã hội Việt Nam hiện vẫn khá cao.
Mặt khác, điều xảy ra không chỉ ở VN và không chỉ với Phật giáo là tham nhũng thần quyền đôi khi sánh đôi cùng tham nhũng thế quyền, với việc dùng công trình xây dựng “tâm linh” được quan chức chính quyền tiếp tay.
Nhưng TS Nguyễn Hữu Liêm nêu ra quan điểm rằng “như cuối thời nhà Lý và Trần gần ngàn năm trước, Phật Giáo Việt Nam đang đi vào khủng hoảng song song với sự suy thoái đạo đức chính trị của hệ thống cầm quyền”.
Nếu đánh giá trên là đúng thì cả hai cơ chế này đều đang gặp vấn đề chọn chỗ đứng trong kinh tế thị trường và quản lý đồng tiền cùng nhân sự nên việc Giáo hội Phật giáo VN “tu chỉnh” ở nhiệm kỳ Đại hội 2023-2023 thành công hay không thì còn phải chờ xem thực tế cho thấy.