Phát động Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2022
Ngày 15/11, Bộ Công Thương tổ chức lễ Phát động Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2022, chương trình khuyến mại sẽ diễn ra từ ngày 15/11 – 22/12 trên phạm vi toàn quốc.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, chương trình năm 2022 sẽ tiếp tục mở ra một "mùa đặc biệt" trong năm 2022 để tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề kinh tế của Việt Nam mà không cần thông qua bất kỳ khâu lựa chọn, xét chọn nào của các cơ quan Nhà nước để được tham gia chương trình. Các doanh nghiệp có cơ hội thực hiện các chương trình, hoạt động khuyến mại với mức khuyến mại tối đa không còn bị giới hạn 50% mà thay vào đó có thể lên đến 100% tùy vào lựa chọn và điều kiện của doanh nghiệp.
Theo đó, các doanh nghiệp sẽ chủ động xây dựng chương trình khuyến mại với nội dung, hình thức đa dạng, hấp dẫn nhằm đưa đến cho khách hàng, người tiêu dùng nhiều cơ hội tiếp cận với hàng hóa, dịch vụ có chất lượng, giá cả phù hợp.
Với hiệu ứng kết nối cung cầu được lan tỏa mạnh mẽ và rộng khắp trên cả nước thông qua hoạt động thương mại truyền thống và thương mại điện tử, các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp sẽ chủ động phối hợp để triển khai hoạt động khuyến mại kết hợp với hoạt động hội chợ, triển lãm, các sự kiện… tại địa phương để không những thúc đẩy tiêu dùng nội địa mà còn góp phần thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Đồng hành với cộng đồng các doanh nghiệp và người tiêu dùng trên cả nước trong chương trình sẽ là sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức và người dân trong việc quảng bá, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát… hoạt động khuyến mại của các doanh nghiệp, góp phần đảm bảo tính công khai, minh bạch, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, góp phần bảo đảm hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cũng như quyền lợi của người tiêu dùng.
Phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian qua, thương mại, dịch vụ, du lịch của đất nước đã có những phục hồi tích cực; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng đạt khoảng 4.643,6 nghìn tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 5,1%). Hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều khởi sắc.
Tính chung 10 tháng năm 2022 cả nước có 178,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 17,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 10 tháng ước đạt 312,82 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều tổ chức quốc tế uy tín vừa qua đã tiếp tục đánh giá tích cực về tình hình kinh tế của Việt Nam, trong đó: Ngân hàng Thế giới hồi tháng 9/2022 đã tăng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 7,2% năm 2022; Tổ chức tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập - Brand Finance đánh giá Việt Nam là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới (74% giai đoạn 2019 - 2022)...
Tuy nhiên trong thời gian tới, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, lạm phát tiếp tục ở mức cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ổn định tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, lương thực, gia tăng khả năng suy thoái kinh tế; cạnh tranh chiến lược và xung đột quân sự tại một số khu vực tiếp tục gay gắt...
Tình hình trong nước theo đó sẽ đối mặt với những khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội, thuận lợi, dễ phát sinh những vấn đề khó lường, phức tạp, chưa có tiền lệ. Nền kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực nhưng tăng trưởng có khả năng khó khăn hơn trong quý IV năm 2022 và năm 2023.
Trong bối cảnh này, Bộ Công Thương tổ chức Chương trình “Tháng Khuyến mại tập trung quốc gia 2022 - Vietnam Grand Sale 2022” từ ngày 15/11 – 22/12 trên phạm vi toàn quốc.
“Chương trình tháng khuyến mại tập trung quốc gia năm 2022 sẽ là một trong những nội dung quan trọng, thiết thực trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Bộ Công Thương đã đề ra, giúp khai thác tối đa thị trường nội địa đang hồi phục tốt để nâng cao tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong khoảng thời gian cuối năm, góp phần vào việc duy trì sự tăng trưởng ở mức cao của nền kinh tế”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.
Sau 2 năm liên tiếp triển khai, mặc dù được thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp nhưng Tháng khuyến mại tập trung quốc gia đã cho thấy được những kết quả khả quan, thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng trên cả nước.
Tháng khuyến mại tập trung quốc gia năm 2020 đã thu hút được hơn 27.450 chương trình khuyến mại, góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng triển khai chương trình đạt khoảng 431,9 nghìn tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Năm 2021, Tháng khuyến mại tập trung quốc gia có sự tham gia của hơn 56.410 chương trình khuyến mại, góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng triển khai chương trình đạt khoảng 458,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Doanh nghiệp bán lẻ “sáng cửa” cuối năm
Theo các chuyên gia kinh tế, hầu hết doanh nghiệp (DN) bán lẻ đều xem cuối năm là dịp tốt để kích cầu tiêu dùng, bởi đây là giai đoạn có thể đóng góp 30 - 40% doanh số cả năm.
Đại diện Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) thông tin, kết quả khảo sát DN bán lẻ do đơn vị vừa thực hiện cho thấy 53,8% đơn vị đã đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch Covid-19 . Dựa trên đà phục hồi này, cùng với những lợi thế của Việt Nam so với các nước trong khu vực, 91,7% số DN cho rằng, triển vọng kinh doanh của toàn ngành bán lẻ những tháng cuối năm 2022 sẽ khả quan hơn so với cùng kỳ các năm trước đó.
Công ty Nghiên cứu thị trường Cushman & Wakefield (C&W) cũng nhận định, những tháng cuối năm sẽ diễn ra nhiều sự kiện lễ hội mua sắm, khuyến mãi hấp dẫn như Black Friday, Lễ độc thân 11/11, Giáng Sinh, Tết… sẽ tạo ra “làn sóng mua sắm” với số lượng đơn hàng về phụ kiện trang trí, thời trang, thực phẩm như bánh kẹo và nước uống, mỹ phẩm, điện tử, công nghệ, hàng tiêu dùng…
Giám đốc Đối ngoại hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam (MM) Trần Kim Nga cho biết, Việt Nam vẫn là một thị trường bán lẻ đầy tiềm năng, được xếp vào nhóm các quốc gia phát triển tầng lớp trung lưu mạnh và tốc độ đô thị hóa nhanh. Sau 2 năm đại dịch, xu hướng tiêu dùng của khách hàng thay đổi khá rõ nét. Các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi nơi có sản phẩm đảm bảo chất lượng và giá cả hàng hóa phù hợp, cùng nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn ngày càng được ưa chuộng và trở thành điểm đến mua sắm yêu thích của người tiêu dùng. “Đây là một thị trường triển vọng và đầy tính cạnh tranh, là cuộc đua của những ông lớn trong những năm tới”, bà Nga thông tin với Kinh tế đô thị .
Thực tế cho thấy vào thời điểm gần cuối năm, nhiều DN đang tăng tốc làm mới mình nhằm “đón sóng” cuối năm. Để tái định vị thương hiệu và mở rộng đa dạng sản phẩm, vừa qua siêu thị hàng Nhật nội địa là Sakuko Japanese Store đã thay đổi nhận diện thương hiệu từ nhà bán lẻ chuyên kinh doanh sản phẩm mẹ và bé của Nhật Bản chuyển thành chuỗi siêu thị lĩnh vực bán lẻ hàng Nhật nội địa.
Trong tháng 9 vừa qua, Masan chính thức đưa vào hoạt động chuỗi 27 cửa hàng đa tiện ích WinMart tại ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh , dự kiến từ nay đến cuối năm, Masan tiếp tục mở rộng hệ thống cửa hàng WinMart trên cả nước.
Nhìn nhận về cơ hội cho ngành bán lẻ tăng trưởng, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, ở chiều tích cực, tăng trưởng doanh thu bán lẻ vẫn được hỗ trợ bởi các yếu tố như tăng trưởng thu nhập bình quân trong 6 tháng đầu năm 2022; tỷ lệ thất nghiệp đang trên đà giảm.
Cùng với đó là sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch cũng như các ngành nghề liên quan như vận tải, lưu trú, giải ngân đầu tư công được tăng tốc và các gói kích thích kinh tế cũng như nỗ lực kiềm chế lạm phát của các nhà điều hành đang phát huy tác dụng.
“Nhìn chung, tuy lạm phát sẽ gây một áp lực nhất định lên tiêu thụ nội địa, tăng trưởng của ngành bán lẻ trong những tháng cuối năm vẫn có nhiều yếu tố tích cực để phát triển”, ông Phong nhấn mạnh.
Ông Phùng Trung Kiên, nhà sáng lập Công ty Quản lý tài sản Vietnam Holdings Inc nêu rõ, những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, nhóm DN ngành bán lẻ sẽ có được tốc độ tăng trưởng tốt hơn giai đoạn vừa qua, vì nhu cầu chi tiêu từ nay đến cuối năm của người dân nhiều khả năng tăng dần. Trong đó, nhóm phục vụ hàng tiêu dùng có cơ hội tăng trưởng cao, vì gắn với việc đẩy mạnh doanh số bán hàng, nhất là dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Ý kiến của các chuyên gia kinh tế cho thấy, cuối năm 2022 thị trường bán lẻ sẽ tăng tốc, tạo cơ hội cho DN bán lẻ tăng trưởng, kéo theo các đơn vị sản xuất phục hồi phát triển.
Hương Anh (tổng hợp)