Pháp khánh thành nhà máy sản xuất pin xe điện lớn nhất châu Âu
Pháp khánh thành nhà máy sản xuất pin "gigafactory" đầu tiên của châu Âu, thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô điện và thoát khỏi phụ thuộc vào Trung Quốc.
Ngày 30/5, Pháp khánh thành nhà máy sản xuất pin cho ô tô điện (EV) đầu tiên, một phần trong định hướng "tái công nghiệp hóa" đất nước của chính phủ và đuổi kịp các nhà sản xuất xe điện và pin Trung Quốc trong một ngành công nghiệp đang bùng nổ và lan rộng trên toàn thế giới.
"Nhà máy khổng lồ" ở miền bắc nước Pháp sẽ là một trong những nhà máy đầu tiên ở châu Âu sản xuất pin cho ô tô điện (EV), một lĩnh vực truyền thống mà đến nay, các công ty Trung Quốc đang thống trị.
Nhà máy pin điện được khai trương tại Billy-Berclau, phía bắc nước Pháp, thuộc sở hữu của Công ty Pin Ô tô (ACC), liên doanh giữa công ty năng lượng khổng lồ Pháp TotalEnergies, các hãng xe Mercedes-Benz và Stellantis, doanh nghiệp sở hữu một loạt thương hiệu nổi tiếng Peugeot, Fiat và Chrysler.
Tham dự lễ khánh thành nhà máy có các Giám đốc điều hành của những công ty đầu tư và là thành viên của liên doanh. Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire, Bộ trưởng Chuyển giao Năng lượng Agnès Pannier-Runacher, Bộ trưởng Công nghiệp Roland Lescure, các quan chức của Italy và Đức trong ngành công nghiệp ô tô sẽ tham dự lễ khánh thành nhà máy có khu nhà xưởng dài 640 mét và rộng 100 mét.
Bộ Kinh tế Pháp cho biết: “Đây là lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, một ngành công nghiệp đã được phục hồi ở Pháp từ gần như không có gì”.
Những cỗ máy khổng lồ tự động hóa hoàn toàn, được kết nối sẽ làm phẳng, cắt và xếp chồng những tấm nhôm, được phủ các lớp khoáng chất quý hiếm, thành phần nền tảng của các tế bào pin xe điện, sau đó những công nhân, kỹ thuật viên áo khoác trắng lắp ráp và đổ đầy chất điện phân trong những căn phòng sạch sẽ.
Hoạt động sản xuất sẽ bắt đầu vào mùa Hè năm nay, lô sản phẩm đầu tiên dự kiến sẽ được đưa ra thị trường vào cuối năm 2023 sau những quy trình thử nghiệm, kiểm tra nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn châu Âu.
Sự thay đổi của ngành công nghiệp ô tô châu Âu
Lễ khánh thành nhà máy này tượng trưng cho sự chuyển đổi bắt buộc của ngành công nghiệp ô tô Pháp sang điện khí hóa với sự ủng hộ của đại đa số công chúng, Pháp cũng đang chạy đua chuẩn bị cho lệnh cấm bán ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel mới của EU từ năm 2035.
Tập đoàn ACC, tự gọi mình là "Airbus dùng pin", đặt mục tiêu sản xuất pin bền vững, giá cả phải chăng, dung lượng cao, tuổi thọ cao như một giải pháp thay thế sạch cho các nguồn năng lượng hóa thạch sẽ là một trong những tập đoàn đầu tiên sản xuất ở châu Âu.
Sau đó, Pháp sẽ khai trương 4 nhà máy pin khác, tất cả đều nằm ở vùng Hauts-de-France, nơi một hệ sinh thái pin xe điện đang hình thành. Các nghị sĩ và các nhà công nghiệp Pháp gọi khu vực này là "Thung lũng pin", một cách gọi của ngành công nghiệp ô tô điện tương tự như Thung lũng Silicon của Mỹ.
Tập đoàn Trung-Nhật AESC-Envision, với nhà máy sản xuất gần Douai (Nord), có kế hoạch cung cấp điện cho Renault từ đầu năm 2025, công ty khởi nghiệp Verkor có trụ sở tại Grenoble sẽ sản xuất pin điện từ giữa năm 2025 tại Dunkirk và tập đoàn ProLogium của Đài Loan, xây dựng nhà máy sản xuất pin đầu tiên ở nước ngoài, đặt mục tiêu bắt đầu sản xuất vào cuối năm 2026.
Tổng cộng, khoảng 50 dự án sản xuất pin xe điện đã được công bố trên khắp châu Âu trong những năm gần đây. Châu Âu đang nỗ lực thoát ra khỏi sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp pin điện châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, đã đi trước trong lĩnh vực này khoảng 10 đến 20 năm.
Chính phủ Pháp đặt mục tiêu sản xuất 2 triệu xe điện mỗi năm ở Pháp vào năm 2030, nhưng Bộ Tài chính Pháp ước tính rằng, đến thời điểm đó, ACC cũng chỉ sản xuất đủ để trang bị cho 500.000 xe mỗi năm. Nhưng Paris có tham vọng lớn hơn, Pháp đang đặt mục tiêu cung cấp đủ pin cho ngành ô tô lắp ráp trong nước vào năm 2027 và thậm chí xuất khẩu pin sản xuất tại Pháp sau đó.
Nhưng lĩnh vực sản xuất pin nói riêng và ngành sản xuất ô tô điện nói chung đang đối mặt với khó khăn do giá năng lượng và giá thành sản phẩm so với Trung Quốc và Mỹ, những quốc gia đang có chính sách trợ cấp rất nhiều cho ngành công nghiệp xe điện.
Trong một sự ủng hộ từ cộng đồng, ACC đã nhận được hơn 1,2 tỉ euro tài trợ công, bao gồm 845 triệu euro tài trợ của chính phủ Pháp, trong tổng số tiền đầu tư 7 tỉ euro vào những địa điểm sản xuất khác nhau của ACC, trong đó có cả nhà máy Billy-Berclau, một trung tâm nghiên cứu ở Charente và hai nhà máy tương lai được lên kế hoạch ở Đức và Italy.
Vẫn còn một nhược điểm quan trọng trong dây chuyền sản xuất pin xe điện. Công nghệ lithium-ion, được sử dụng trên dây chuyền đầu tiên của ACC vẫn yêu cầu những kim loại chiến lược mà chuỗi cung ứng chủ yếu do Trung Quốc chi phối - lithium, niken và mangan.
Quá trình chuyển đổi cũng là một thách thức xã hội lớn, các tổ chức của người sử dụng lao động và công đoàn nhà máy dự đoán sẽ mất hàng chục nghìn việc làm, đồng thời Thung lũng Pin (Battery Valley) sẽ cần tuyển dụng và đào tạo hơn 20.000 người lao động kỹ thuật cao chỉ trong vài năm.
Theo Euro News