Pháp: Biểu tình phản đối cải cách của ông Macron biến thành bạo lực
Các nghiệp đoàn Pháp lo ngại rằng các cuộc biểu tình có thể trở nên bạo lực hơn nếu chính phủ của ông Macron không xét đến sự tức giận ngày càng tăng của công chúng.
Hình ảnh tòa thị chính ở Bordeaux chìm trong biển lửa lan truyền trên mạng xã hội khi người dân Pháp tiếp tục biểu tình phản đối cải cách hưu trí.
Trong ngày biểu tình và đình công thứ 9 trên khắp nước Pháp kể từ tháng 1, việc đi lại bằng tàu hỏa và hàng không đã bị gián đoạn khi hơn 1 triệu người đã xuống đường hôm 23/3, trong đó số người biểu tình riêng ở thủ đô Paris được ước tính là khoảng 119.000 người.
Căng thẳng tăng cao ở các thành phố Bordeaux và Lyon. Thước phim cho thấy ngọn lửa cháy ngùn ngụt ngay lối vào tòa thị chính ở Bordeaux, mặc dù lực lượng cứu hỏa đã nhanh chóng phản ứng.
Ở thủ đô Paris, mặc dù ban đầu các cuộc biểu tình diễn ra tương đối ôn hòa, nhưng chúng nhanh chóng đi chệch hướng và trở nên bạo lực, khiến cảnh sát phải sử dụng hơi cay.
Hàng trăm người biểu tình cực đoan mặc áo đen đã phá cửa sổ của các ngân hàng , cửa hiệu và tiệm bán thức ăn nhanh, đồng thời phá hủy đồ đạc trên đường phố, theo các nhà báo của AFP – những người đã chứng kiến sự việc.
Theo một phóng viên Anadolu Agency có mặt tại hiện trường, các nhóm bạo lực đã trà trộn vào một đoàn tuần hành ở Paris, tham gia phá hoại, đốt cháy các pallet và những đống rác không được thu gom.
Người biểu tình cũng đã phong tỏa các nhà ga xe lửa, sân bay Charles de Gaulle ở Paris, các nhà máy lọc dầu và cảng dầu.
Ước tính khoảng 20% giáo viên trong nước đã đình công hôm 23/3 và khoảng 400 trường trung học đã bị học sinh phong tỏa. Các cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch tại khoảng 240 thị trấn và thành phố trên khắp nước Pháp.
Cảnh sát cũng đã sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông tại một số thành phố khác, bao gồm Nantes và Bordeaux ở phía Tây, và Rennes ở phía Tây Bắc.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho biết, trên toàn đất nước, 123 thành viên lực lượng an ninh đã bị thương và ít nhất 80 người bị bắt giữ.
Nước Pháp rung chuyển bởi các cuộc biểu tình và đình công của quần chúng phản đối kế hoạch gây tranh cãi của Tổng thống Emmanuel Macron nhằm tăng tuổi hưởng lương hưu của đất nước từ 62 lên 64.
Đám đông càng tức giận hơn sau khi ông Macron, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 22/3, khẳng định kế hoạch cải cách hưu trí của chính phủ phải được thực hiện vào cuối năm nay.
Tổng thống Macron cũng cho biết, nếu phải lựa chọn giữa lòng dân và việc tìm ra giải pháp cho đất nước, ông sẽ chấp nhận mất lòng dân. Thực tế là các cuộc thăm dò được công bố hôm 23/3 cho thấy, khoảng 65% người dân Pháp không ủng hộ ông Macron, trong khi chỉ 30% nhận thấy sự bảo vệ của ông đối với những cải cách là thuyết phục.
Các cuộc thăm dò ý kiến ở Pháp từ lâu đã chỉ ra rằng đa số cử tri phản đối tăng tuổi nghỉ hưu.
“Tôi đến đây vì tôi phản đối kế hoạch cải cách này. Tôi phản đối thực tế là dân chủ không còn ý nghĩa gì nữa”, cô Sophie Mendy, một nhân viên y tế hành chính, nói với Reuters tại cuộc tuần hành ở Paris. “Chúng tôi không được đại diện, vì vậy chúng tôi chán ngấy rồi”.
Theo Bộ Nội vụ Pháp, 1,09 triệu người đã biểu tình trên khắp đất nước. Trong khi đó, nghiệp đoàn CGT theo đường lối cứng rắn cho biết 3,5 triệu người đã tuần hành, bằng với mức cao trước đó vào ngày 7/3.
Các nghiệp đoàn lo ngại rằng các cuộc biểu tình có thể trở nên bạo lực hơn nếu chính phủ không xem xét đến sự tức giận ngày càng tăng của công chúng. Họ tuyên bố sẵn sàng tiếp tục biểu tình và đình công cho đến khi kế hoạch cải cách bị hủy bỏ, nhưng có vẻ là chính phủ cũng sẽ không chịu nhượng bộ .
Minh Đức (Theo iNews, Anadolu Agency, France24)