Phán xét "online": Ai cũng có thể là nạn nhân
Bên cạnh ý nghĩa kết nối tích cực, mạng xã hội cũng trở thành nơi những thói xấu cũng được bộc lộ.
Từ những nạn nhân bị quấy rối, xâm hại, qua sự phán xét lại trở thành đối tượng bị công kích. Chỉ qua vài bức ảnh, vài giây hình, nhiều người đã suy diễn, đánh giá chụp mũ một người mình chưa từng gặp gỡ, kết luận một vụ việc không nắm được đầy đủ góc độ, đẩy nạn nhân vào tình trạng oan ức mà không thể giải thích cho bản thân một cách đầy đủ. Phán xét online là chủ đề được bàn luận trong chương trình Góc nhìn văn hóa hôm nay (5/10).
Tháng 5 vừa qua, cộng đồng mạng xuất hiện đoạn video phỏng vấn các bạn trẻ về nhiều câu hỏi, như Bạn nghĩ sao về trai Bắc? Khi có người yêu đi xe số?... Các nhân vật được phỏng vấn bị cộng đồng mạng tấn công khi có câu trả lời gây tranh cãi. Hóa ra, người chủ kênh Tiktok đã cố tình cắt ghép câu trả lời. Tháng 9/2016, một quán karaoke bị cháy, bức ảnh một nữ nhân viên chạy ra ngoài chạy ra ngoài che mặt bằng một chiếc áo lót thấm nước lan truyền trên mạng. Thay vì khen ngợi cô gái có kỹ năng thoát hiểm tốt, vô số bình luận độc ác nhanh chóng xuất hiện, gán cho cô gái bán dâm, gọi cô là kẻ ăn không ngồi rồi. Hai ngày sau tai nạn kinh hoàng, cô gái phải kêu lên – Có lẽ nào tôi chết trong đám cháy ấy còn tốt hơn là may mắn sống đến bây giờ để nhận những lời miệt thị từ các bạn?
Những ví dụ trên cho bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của việc phán xét trên mạng. Mạng xã hội mang đến cơ hội kết nối mọi người nhưng cũng chính trên không gian này, nơi các cá nhân được bày tỏ suy nghĩ một cách công khai, những thói xấu cũng được bộc lộ. Tại đây, tâm lý thích thể hiện bản thân đã khiến không ít người tự cho mình là người tốt, người luôn đúng để bới móc những sai lầm của người khác. Theo nghệ sĩ Xuân Bắc, đó là một kiểu tốt mồm.
"Muốn thể hiện lòng tốt của mình thì phải tìm cách bám vào những sự việc không tốt hoặc được cho là không tốt để nêu quan điểm tốt của mình, khi đó mình thấy bản thân là người tốt. Vì sao? Vì tôi là người lên án sự việc không tốt kia thì tôi hẳn phải là người tốt. Tôi đứng về phía đối diện" – NSƯT Xuân Bắc chia sẻ - "Có anh này vung tay tát một chị kia. Rất có thể, người phản đối người đàn ông đó ở nhà vừa tát vợ 4 cái. Nhưng để thể hiện cho mọi người thấy không phải người vũ phu nên anh ta phải lên án anh này. Đấy gọi là tốt mồm. Nó là hệ quả của việc không phải chịu trách nhiệm vì những phát ngôn của mình, cho mình quyền phán xét người khác. Họ chỉ cần cùng quan điểm thì họ sẽ trở thành một nhóm rất khỏe".
Không phải tự nhiên việc phán xét trên mạng được gọi là hành vi "ném đá". Cụm từ này gợi nhớ đến thạch hình, phương pháp hành hình thời trung cổ. Trong đó, một nhóm người ném đá người chịu tội đến chết. Hình thức tử hình này đã bị loại bỏ khỏi xã hội văn minh nhưng điều đáng tiếc là đâu đó vẫn diễn ra trên không gian mạng theo hình thức khác.
Những phán xét thiếu căn cứ trên mạng có thể khiến sự việc bị nhìn nhận sai lệch về bản chất, thậm chí trong một số vụ án, quá trình điều tra gặp khó khăn do cộng đồng mạng đưa lên nhiều thông tin vụ việc gây nhiễu, phán xét trước cả khi cơ quan điều tra đưa ra kết luận cuối cùng.
Lên án cái xấu, bảo vệ cái tốt là điều đúng đắn. Thế nhưng, như thế nào là tốt, xấu, đúng hay sai thì không ai cũng có khả năng và chức năng nhiệm vụ đưa ra nhận định. Việc định tội cho một cá nhân phải trải qua quá trình điều tra tố tụng nghiêm ngặt, đúng quy định pháp luật để đảm bảo quyền công dân, tính chính xác, công bằng. Không ai có quyền lên tiếng phán xét và tuyên án một người khi pháp luật chưa xác định họ có tội. Việc hôm nay bạn ngồi trước bàn phím phán xét người khác không chắc chắn rằng ngày mai, bạn không trở thành nạn nhân của đám đông. Một xã hội ứng xử văn minh là khi mọi thành viên có trách nhiệm tôn trọng bản thân và với người khác, dù ở ngoài đời sống hay trên không gian mạng và đặt tinh thần thượng tôn pháp luật lên hàng đầu.