Phần Lan, Thụy Điển thông báo ngày cùng nộp đơn xin gia nhập NATO

Chia sẻ Facebook
19/05/2022 00:43:57

"Tôi vui mừng vì chúng tôi đã đi chung một con đường và chúng tôi có thể làm điều này cùng nhau", Thủ tướng Andersson cho biết.

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto (trái) và Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson trong cuộc họp báo chung ngày 17-5 tại Stockholm, Thụy Điển - Ảnh: AFP


Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson thông báo hai nước này sẽ cùng nhau nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương trong ngày 18-5.

Trước đó, Phần Lan và Thụy Điển đã lần lượt thông báo quyết định sẽ gia nhập NATO, theo Hãng tin AFP.

Trong khi các nước như Anh, Pháp, Canada lên tiếng ủng hộ sau khi Thụy Điển theo gót Phần Lan tuyên bố quyết định nộp đơn gia nhập liên minh quân sự này, Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng phản đối.

Tuy nhiên, ngày 17-5, Tổng thống Niinisto cho biết ông "lạc quan" về việc Phần Lan và Thụy Điển có thể nhận được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Bất kỳ nước nào muốn trở thành thành viên của NATO đều phải được sự chấp thuận của 30 nước thành viên của liên minh này.

Trước đó, ngày 16-5, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga không có vấn đề gì với Phần Lan hay Thụy Điển, nhưng ông nói Matxcơva sẽ phản ứng trước việc NATO mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự tại hai nước này.

Trong cuộc phỏng vấn với Hãng thông tấn Interfax ngày 16-5, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov gọi quyết định của Phần Lan và Thụy Điển là "sai lầm gây hậu quả lớn".

Tháng 4 vừa qua, ông Dmitry Medvedev, một trong những đồng minh thân cận của Tổng thống Putin, đã tiết lộ rằng Nga có thể triển khai vũ khí hạt nhân và tên lửa siêu vượt âm ở tỉnh Kaliningrad nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.

Tỉnh Kaliningrad nằm tách biệt với lãnh thổ chính của Nga, giáp biển Baltic và nằm giữa Latvia, Ba Lan - hai quốc gia NATO khác.

Thổ Nhĩ Kỳ đang tạo ra một vài trận sóng gió khi thể hiện thái độ không ủng hộ sự có mặt của Phần Lan và Thụy Điển trong NATO. Lời giải thích của Ankara cho thái độ có phần khó hiểu này đến từ yếu tố lịch sử.

Chia sẻ Facebook